Những rủi ro và biện pháp xử lý vi phạm về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu

Thứ năm, 26/05/2022 10:08
(ThanhtraVietNam) - Không ít doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, không có xếp hạng tín nhiệm cũng tham gia huy động vốn thành công, không giám sát tiền thu được sẽ đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không, thậm chí phát hành để đảo nợ... đây là những rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư và thị trường.

Rủi ro tiềm ẩn trong phát hành và sử dụng vốn sau phát hành

Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) huy động trong năm 2021 đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ xấp xỉ 95%. Đáng lưu ý, trong số các trái phiếu phát hành riêng lẻ, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 51% và trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49% (trong đó trái phiếu do các tổ chức chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Mặc dù trái phiếu không tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm chính là cổ phiếu của mình nhưng hàng đẩy ra đến đâu hết đến đó.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, trên thế giới, trái phiếu thường không có tài sản bảo đảm. Đơn cử tại Mỹ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường là doanh nghiệp lớn, có báo cáo tài chính rõ ràng, tình hình tài chính ổn định và có xếp hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, phân tích báo cáo tài chính của nhà phát hành và xem xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, sẽ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, không có xếp hạng tín nhiệm cũng huy động vốn thành công.

Hơn nữa, người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trái phiếu vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu, nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh, nên đặt lòng tin và cũng hoàn toàn không có thông tin, không giám sát được việc doanh nghiệp sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu như thế nào. Ngoài ra, TPDN duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng, rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ở Việt Nam.

Doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng có sử dụng đúng hay đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo. Chưa kể, nhiều khi khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.

Trong danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian vừa qua, có những doanh nghiệp không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng, trong khi bức tranh tài chính không mấy khả quan, vẫn phát hành thành công do các doanh nghiệp này đưa ra mức lãi suất huy động khá cao, như một chuỗi cầm đồ thậm chí phát hành thành công với tổng giá trị huy động lên mức 700 tỷ đồng, đáng chú ý tất cả các đợt phát hành tại tổ chức này đều là các trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo...

Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Đồng thời, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào doanh nghiệp. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

Thậm chí, có những đơn vị phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Nhà phát hành dùng tiền đó biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ cũ thành nợ mới, rất nguy hiểm. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua TPDN nữa, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Hoàn thiện khung khổ pháp lý đi cùng với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát

Bộ Tài chính đánh giá, việc phát hành TPDN, đặc biệt là hình thức phát hành không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Thậm chí các TPDN có tài sản đảm bảo cũng tiềm ẩn rủi ro, vì các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình và dự án. Do đó, mặc dù TPDN có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.

Theo đó, để tăng cường các biện pháp quản lý, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiến hành xử phạt nghiêm đồng thời công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Các trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, UBCKNN khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBCKNN tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng công bố thông tin cho nhà đầu tư, cách thức quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thị trường phát triển lành mạnh.

Sắp tới, sẽ siết chặt quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo đó Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Đồng thời, bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Đồng thời sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đi cùng với tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp…

Một mặt hoàn thiện khung khổ pháp lý, mặt khác Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Hương Sơn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra