Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Thanh tra, giám sát thị trường trái phiếu góp phần đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế

Thứ hai, 25/04/2022 07:12
(ThanhtraVietNam) - Là nhà đầu tư, nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần gia tăng thanh khoản, năng lực tài chính, khả năng cấp tín dụng trung dài hạn...Để thúc đẩy thị trường vốn phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có nội dung tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, bao gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định

Phát biểu tại hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” tổ chức ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thị trường vốn, thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó thị trường tiền tệ thuộc chức năng tổ chức, điều hành của NHNN.

NHNN đã luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động điều hành các công cụ và giải pháp tiền tệ, nhờ vậy thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn đối với thị trường vốn thực hiện theo các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán.

Theo Thống đốc NHNN, trên thị trường vốn, các TCTD có thể trở thành nhà đầu tư trực tiếp đối với trái phiếu Chính phủ và TPDN.

Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia với tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó, góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển.
Để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD, đáp ứng yêu cầu chi trả theo người dân, NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định như: Hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng; quy định TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chỉ được mua TPDN khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất; TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...

Với tư cách là nhà phát hành, thông qua thị trường TPDN, TCTD có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn; có thể tăng vốn cấp II, tạo thuận lợi cho việc tăng cường năng lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn, gia tăng khả năng cấp tín dụng trung dài hạn cho nền kinh tế.

Đồng thời, các nhà đầu tư có quyền lợi tương tự như người gửi tiền ở TCTD bởi vì khi đến hạn sẽ được TCTD chi trả đầy đủ gốc, lãi như các khoản tiền gửi và có thể có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu nếu trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi.

Người đứng đầu NHNN cho biết thêm, để đảm bảo phù hợp với Luật Chứng khoán và các Nghị định 153, Nghị định 155 của Chính phủ về phát hành TPDN, thời gian qua, Cơ quan này đã hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát hành trái phiếu của các TCTD.

Để kiểm soát TCTD đầu tư quá mức vào trái phiếu do TCTD khác phát hành, NHNN đã bổ sung quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như: loại trừ khỏi vốn cấp II của TCTD đầu tư trái phiếu đủ điều kiện tính vào vốn cấp II của TCTD phát hành, áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản phải đòi các TCTD.

NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư TPDN của TCTD; từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường TPDN trong năm 2019 và 2020.

leftcenterrightdel
 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham luận tại Hội nghị  “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” . Ảnh: Cổng TTĐT NHNN

Thị trường minh bạch giúp TCTD phát triển lành mạnh, doanh nghiệp chủ động

Hiện nay, TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN. Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dự nợ khoảng 427 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Thống đốc NHNN chia sẻ, thị trường TPDN của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.

Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.

Các nhà đầu tư TPDN như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPDN còn hạn chế.

Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ TPDN nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua TPDN, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư.

Hầu hết TPDN, chưa niêm yết, phát hành riêng lẻ khiến nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế.

Do chưa có thị trường TPDN chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán TPDN trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó tập trung phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...); đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của TTCK, trong đó có thị trường TPDN.

Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN).

Ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán…

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra