Công khai, minh bạch là nguyên tắc quan trọng trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ ba, 19/04/2022 11:46
(ThanhtraVietNam) - Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn Nhà nước (tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản và công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp (DN). Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong QLVNN tại DN mà Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đã quy định.

Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, QLVNN tại DN; khắc phục việc sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, dàn trải…, ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào DN; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Tương ứng với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm 4 nhóm là: Đại diện chủ sở hữu Nhà nước; DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN là: phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; chỉ đầu tư vốn Nhà nước để hình thành và duy trì DN ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp; cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý DN. 

Sau khi đầu tư, việc QLVNN đầu tư tại DN phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước; bảo đảm DN sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào DN; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản và công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Ngoài Chương I, Chương X quy định về những vấn đề chung, về điều khoản thi hành, 8 chương còn lại của Luật quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (Chương II); về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Chương III);  về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại DN (Chương IV); về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước (Chương V); về người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của DN (Chương VI); về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN (Chương VII); về đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai hoạt động của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Chương VIII) và về khen thưởng và xử lý vi phạm (Chương IX).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tổ chức thanh tra việc bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Việc giám sát, thanh tra, kiểm tra  hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào DN và QLVNN tại DN là một khâu quan trọng trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, của chủ sở hữu nên Luật này đã dành riêng một chương gồm 8 điều (từ Điều 51 đến Điều 58) để quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Theo đó, Mục 1 gồm 4 điều gồm có nội dung quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN. Cụ thể: giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động QLVNN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cơ cấu lại vốn Nhà nước tại DN.

Mục 2 gồm 4 Điều có nội dung quy định về tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN. Cụ thể: giám sát của Quốc hội; kiểm tra, thanh tra của Chính phủ; giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu; giám sát nội bộ của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bên cạnh quy định về hoạt động giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN của Quốc hội, Luật cũng quy định về kiểm tra, thanh tra của Chính phủ tại Điều 56.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại DN.

Bộ Tài chính có trách nhiệm kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; hằng năm tổng hợp, kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

Đăng Tân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra