Bộ Tài chính:

Đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước

Thứ tư, 05/10/2022 08:48
(ThanhtraVietNam) - Các quy định về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước…

Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được như kế hoạch

Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, để có những đánh giá khách quan về nguyên nhân công tác cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo tại Hà Nội về “Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, Cơ quan Trung ương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty/DNNN, các chuyên gia thuộc một số Học viện/Viện nghiên cứu.

Các đại biểu đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được như kế hoạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhiều ý kiến nhận định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời, để  thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời khắc phục vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa, thoái vốn, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 trong năm 2022. Trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn.

Đối với nội dung tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa, theo quy định của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các DNNN phải lập phương án sử dụng đất để báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thời gian qua rất chậm. Nguyên nhân do nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất của các DNNN phức tạp; công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do có cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu của công tác thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là công việc thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công, không phải chỉ diễn ra khi thực hiện CPH, chỉ phục vụ cho công tác chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa, bỏ quy định về điều kiện cổ phần hóa là doanh nghiệp CPH phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phải cam kết thực hiện quản lý và sử dụng đất theo đúng  mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã phê duyệt

Còn việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng chỉ xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH đối với diện tích đất được giao hoặc đất đã trúng đấu giá để thực hiện kinh doanh bất động sản của các DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp CPH là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.

Đối với DNNN còn lại, khi cổ phần hóa thực hiện chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp.

Công ty cổ phần phải cam kết thực hiện quản lý và sử dụng đất theo đúng  mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thực hiện trả lại đất để tham gia đấu giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trường hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất  thay đổi  (nếu có) phải thu hồi đất thì Nhà nước thực hiện bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai. Doanh nghiệp lập phương án sử dụng đất theo hiện trạng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, công bố công khai đầy đủ thông tin về đất và nội dung nêu trên khi khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)

Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Liên quan đến quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP quy định Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo phương pháp tài sản quy định theo pháp luật về CPH.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát, hiệu chỉnh lại theo hướng tổ chức tư vấn được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản theo quy định của pháp luật thẩm định giá và Nghị định này. Tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.

Riêng đối với một số vấn đề đã được pháp luật hiện hành quy định cụ thể, khác với quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BTC, thì Nghị định cần tiếp tục hướng dẫn như giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra