SCIC: Từ kênh truyền vốn nhà nước đến mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ

Thứ tư, 06/07/2022 10:47
(ThanhtraVietNam) - Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập năm 2005 với trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; thực hiện đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà nhà nước cần nắm giữ nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của nhà nước trong nền kinh tế, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy luật thị trường.

Từ kênh truyền vốn nhà nước…

Năm 2013, thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2344/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015 (Quyết định số 2344) với mục tiêu đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Theo Đề án, với 50.000 tỷ đồng quy mô vốn điều lệ đến năm 2015, ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, bán phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Về phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp hiện có giai đoạn đến năm 2015, Quyết định số 2344 của Thủ tướng cũng nêu rõ, duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gồm: Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC; Công ty TNHH một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex.

4 doanh nghiệp SCIC nắm giữ, đầu tư dài hạn gồm: Công ty cổ phần (CTCP) Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; CTCP viễn thông FPT; CTCP Dược Hậu Giang; CTCP sữa Việt Nam.

Ngoài ra, SCIC có cổ phần, vốn góp chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại 24 doanh nghiệp. Thực hiện cổ phần hóa, SCIC nắm giữ cổ phần chi phối gồm: Công ty TNHH một thành viên Thương mại, du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên; Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản Lai Châu. Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn nhà nước tại 376 doanh nghiệp.

Cũng theo Đề án, SCIC sẽ hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty và Nghị định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. Đồng thời, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách có hệ thống, tập trung phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Thu hút và đào tạo nhân sự tài năng, có chuyên môn, kinh nghiệm trên thị trường và tăng cường cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người lao động, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đầu tư và tài chính.

Từ sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu, hoạt động đầu tư, kinh doanh của SCIC đã đạt được những kết quả tích cực. Trong triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), SCIC là một trong những Tổng công ty bước đầu triển khai thành công hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đã giải đến năm 2015 là trên 24.336 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường. Theo báo cáo của SCIC, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2344 ngày 02/12/2013 phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015 đến 31/12/2015, SCIC đã bán vốn tại 244/376 DN; trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 235 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 9 DN. Giá vốn là 2.719 tỷ đồng, doanh thu bán vốn đạt 7.096 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn đạt 4.377 tỷ đồng, gấp khoảng 2,6 lần. Tính đến 31/12/2015, SCIC đã bán vốn tại 855 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 777 DN, thu về 10.847 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 2,4 lần so với giá trị sổ sách.

leftcenterrightdel
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tăng cường hợp tác đầu tư phát triển các dự án năng lượng.

… đến mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ

Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của SCIC trong tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời điểm này gặp không ít tồn tại và hạn chế do tiến độ bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC diễn ra chậm, trong khi đó, việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không thuận lợi, bởi có rất nhiều doanh nghiệp khi được bàn giao về SCIC có quy mô nhỏ, kinh doanh nhiều năm liền thua lỗ, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện giám sát đặc biệt… cho nên không có nhà đầu tư quan tâm, khó bán vốn thành công. Những khó khăn này nếu được sớm thảo gỡ sẽ giúp SCIC hoạt động thật sự phát huy hết chức năng và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhận thấy mặc dù tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, song những kết quả này vẫn chưa tạo sự chuyển biến về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính cũng như chất lượng lao động của doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII đã chỉ rõ mục tiêu về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước được xác định cụ thể như sau: Mục tiêu tổng quát: Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020:

- Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.

- Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

 - Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

- Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, một lần nữa, SCIC được cơ cấu lại đến năm 2020 theo phương án phê duyệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 13/12/2017.

Mục tiêu của phương án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa SCIC thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật…

Theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg, nhằm hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ Tổng công ty, trước mắt, SCIC tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty và Nghị định thay thế Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, SCIC cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; rà soát, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật...

Quyết định cũng yêu cầu SCIC xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập; phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung phương án này. Đồng thời, ban hành tiêu chí phân nhóm doanh nghiệp, phương án tái cơ cấu và xây dựng lộ trình bán vốn theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 báo cáo Bộ Tài chính để giám sát, đôn đốc thực hiện; gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Thực hiện phương án cơ cấu lại, hoạt động đầu tư của SCIC trong giai đoạn này đã được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, đảm bảo định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đạt hiệu quả tích cực, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước. SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Tỉ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư (ROE) trong giai đoạn 2006 - 2019 đạt 13%.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Thành, vai trò của SCIC với tư cách nhà đầu tư của Chính phủ chưa rõ nét, chưa có tác động lan tỏa trong nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra khi thành lập SCIC.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của SCIC, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo tại Đại hội SCIC nhiệm kỳ 2020 - 2025: Định hướng đầu tư của SCIC cần phải có chiến lược phát triển đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường để góp phần cùng các Tập đoàn, Tổng công ty tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội. SCIC phải xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ; quy mô tăng vốn cần thiết.

Để thực hiện chỉ đạo này, SCIC nhanh chóng đưa định hướng mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ vào Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Hoạt động đầu tư đã, đang và sẽ là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của mô hình SCIC. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn từ 2020 trở đi, sau khi danh mục doanh nghiệp bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn.

Theo Chiến lược, định hướng một số ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030 của SCIC là: Công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...); kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...); năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...); nông nghiệp công nghệ cao; các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...); tài chính ngân hàng... nhằm tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Quy mô đầu tư của SCIC dự kiến đến năm 2025, tổng tài sản của SCIC đạt khoảng 81.800 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Trong giai đoạn 2020 - 2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận; bán vốn không bao gồm 10 doanh nghiệp; nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm, dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng…

Có thể nói, việc SCIC xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới theo quy định pháp luật hiện hành là cần thiết để đảm bảo hoạt động hiệu quả của SCIC trong thời gian tới. Với cơ sở thực tiễn là nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và thành quả nhất định trong đầu tư và kinh doanh vốn, SCIC sẽ phát huy tốt vai trò tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, qua đó ngày càng khẳng định sự ra đời của SCIC là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp./.

 

 

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra