Ngân hàng Nhà nước tích cực phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật đối với tội phạm phòng, chống rửa tiền

Thứ năm, 19/05/2022 14:45
(ThanhtraVietNam) - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã được thành lập từ năm 2009 theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Hoạt động rửa tiền ngày càng mở rộng về quy mô và độ tinh vi

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCRT, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch quốc gia về PCRT, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về PCRT. Về quản lý chuyên ngành, NHNN thực hiện trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động PCRT đối với đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có rủi ro cao nhất về rửa tiền do lượng tiền chuyển qua hệ thống ngân hàng là chủ yếu với số lượng lớn, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Hoạt động rửa tiền không chỉ trong nước mà còn liên quan đến các đối tượng khác ở nước ngoài. Dù ở nước ta có số lượng tiền mặt lưu thông khá lớn nhưng để chuyển tiền với số lượng lớn, mang tính sinh lời cao thì vẫn phải đi qua ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ năm 2013 đến năm 2021, Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tiếp nhận khoảng 12.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó số lượng báo cáo do các tổ chức báo cáo là ngân hàng chiếm số lượng lớn nhất. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của đơn vị này đã nhận các báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử và giao dịch tiền mặt giá trị lớn liên quan đến khoảng 425 triệu giao dịch.

Cũng trong giai đoạn này, NHNN đã chỉ đạo Thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển hơn 1.000 vụ việc cho các cơ quan chức năng, phối hợp cung cấp thông tin cho gần 1.000 lượt đề nghị phục vụ công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra. Theo đánh giá, thông tin, tài liệu do Thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển giao, cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đã có hàng chục vụ việc được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay, NHNN là cơ quan đầu mối về phòng chống rửa tiền, theo báo cáo đánh giá rủi ro PCRT từng được NHNN công bố, việc nhận hối lộ, lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... có nguy cơ rửa tiền cao. Điểm đáng chú ý nhất của báo cáo do NHNN thực hiện ghi nhận có đến 90% giao dịch đáng ngờ qua các ngân hàng do ngân hàng là nơi có các dòng tiền chuyển qua, cả đầu vào và đầu ra.

Vì vậy, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, kế hoạch để nhận diện đối tượng, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao, kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và các nhân viên ngân hàng cũng phải nâng cao nhận thức, tăng cường nhận biết những giao dịch đáng ngờ, để phòng tránh rủi ro.

Trong chức năng quản lý nhà nước của mình, NHNN yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc về việc phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc gia cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, ngành có liên quan và các đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN. Đồng thời, đăng tải kết quả đánh giá rủi ro quốc gia và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc gia trên cổng thông tin điện tử của NHNN.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát nội bộ

Thanh tra, giám sát ngân hàng chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Thống đốc ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố để đối tượng báo cáo thực hiện. Song song với đó, chủ động tham mưu quy định việc áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường phù hợp với mức độ rủi ro rửa tiền đối với các mối quan hệ kinh doanh và giao dịch với khách hàng là tổ chức, cá nhân đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố do Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) xác lập và công bố để đối tượng báo cáo thực hiện.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu căn cứ mức độ rủi ro quốc gia, lĩnh vực và đối tượng báo cáo về rửa tiền và tài trợ khủng bố, tham mưu trình Thống đốc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các đối tượng báo cáo theo thẩm quyền.

Liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, mới đây, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 để thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phòng, chống rửa tiền. Chú trọng thanh tra hành chính đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Một mặt tổ chức triển khai hiệu quả, đúng tiến độ Kế hoạch thanh tra năm 2022 của NHNN theo phương pháp, hình thức phù hợp với diễn biến dịch bệnh, trong đó tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực, tham nhũng, sai phạm như: hoạt động cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, rửa tiền... Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện Kế hoạch thanh tra.

Mặt khác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Triển khai đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022 và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn tiếp theo.

Đi cùng với việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Đi đôi với quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyết tập huấn triển khai Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt; Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư 20/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN về phòng chống rửa tiền.

Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống rửa tiền, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống rửa tiền xây dựng các nội dung báo cáo cho đánh giá đa phương APG của Việt Nam; tham mưu, dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 87 sửa đổi bổ sung Nghị định 116 và ban hành Thông tư 20 sửa đổi Thông tư 35. 

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra