Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

Tiếp nhận hơn 900 báo cáo giao dịch liên quan phòng, chống rửa tiền

Thứ hai, 04/07/2022 10:58
(ThanhtraVietNam) – Liên quan tới công tác phòng, chống rửa tiền, 6 tháng đầu năm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã tiếp nhận 907 báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã xử lý 794 báo cáo, bao gồm cả các báo cáo từ kỳ trước chuyển sang.

Xử lý 3 yêu cầu cung cấp thông tin của tổ chức nước ngoài

Trong thời gian này, Cơ quan TTGSNH đã chuyển giao thông tin đáng ngờ liên quan đến 86 vụ việc/477 báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, xử lý 95/122 văn bản liên quan đến cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trong nước.

Đáng chú ý, đã tiếp nhận, xử lý 3/6 yêu cầu cung cấp thông tin của các tổ chức nước ngoài. Đó là, các đơn vị tình báo tài chính Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Hàn Quốc và Campuchia.

Trong danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền được các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam liệt kê, tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền.

Cũng trong kỳ báo cáo, Cơ quan TTGSNH đã thực hiện tốt vai trò giúp việc cho Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền (PCRT), Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng trong một số công việc như sau:

Triển khai cập nhật đánh giá rủi ro quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (NRA) như: Tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định thành lập Ban Điều phối NRA và các Nhóm làm việc NRA; ban hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp triển khai đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Ngày 12/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền (thay thế Quyết định ban hành năm 2009).

Trong việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025: NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia; Kế hoạch hành động quốc gia sau đánh giá đa phương của nhóm Châu Á Thái Bình Dương (APG).

Việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác PCRT và tài trợ khủng bố: Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Cơ quan TTGSNH đang phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc NHNN hoàn thiện dự thảo Quy chế.

Theo NHNN, sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 có hiệu lực, từ đó đến nay, công tác chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố và xử phạt vi phạm hành chính đã được các bộ, ngành bước đầu triển khai. Đã có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra về PCRT tại các tổ chức báo cáo.

Cơ quan TTGSNH đã tiến hành hơn 500 cuộc thanh tra, trong đó có nội dung thanh tra về PCRT và tiến hành 3 cuộc thanh tra chuyên đề về PCRT đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Kết quả ban đầu cho thấy về cơ bản các ngân hàng đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chưa phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính.

leftcenterrightdel
 Cục PCRT là đơn vị thuộc Cơ quan TTTGSNH, giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về PCRT và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan PCRT. Dù có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản lý Nhà nước về PCRT, đồng thời làm đầu mối giúp việc cho Ban chỉ đạo PCRT cũng như phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác PCRT… nhưng Cục PCRT còn hạn chế trong việc thực hiện chức năng của một Đơn vị tình báo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (thu thập, chuyển giao thông tin)...Ảnh: NT
 

Triển khai các khuyến nghị sau đánh giá của APG

Nhóm APG được thành lập năm 1997 là một tổ chức liên Chính phủ, có 41 thành viên với vai trò đảm bảo các thành viên thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên chính thức của APG từ năm 2007.

APG đánh giá mức độ hiệu quả thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về PCRT, tài trợ khủng bố của một quốc gia thông qua cơ chế đánh giá đa phương quốc gia thành viên về mức độ tuân thủ 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính được quốc tế thừa nhận là các chuẩn mực quốc tế về PCRT, tài trợ khủng bố.

Tháng 11/2021, Hội nghị toàn thể đặc biệt của APG đã thông qua Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam về cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hội nghị đã tập trung thảo luận và các nước đã lắng nghe phần phản biện của Việt Nam đối với vấn đề về tịch thu, thu hồi tài sản; điều tra, truy tố, xét xử tội tài trợ khủng bố; phát hành cổ phiếu vô danh. Nhiều nước thành viên APG và Chủ tọa Hội nghị đã ủng hộ và ghi nhận Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để được nâng xếp hạng đối với 2 Khuyến nghị (số 4 và số 5) lên Tuân thủ Phần lớn, nâng xếp hạng đối với 2 Mục tiêu trực tiếp về tịch thu, thu hồi tài sản (IO8) và điều tra, truy tố, xét xử tội tài trợ khủng bố (IO9) lên Hiệu quả đáng kể.

Trong công tác triển khai các khuyến nghị sau đánh giá đa phương của APG về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam, Cơ quan TTGSNH thực hiện:

Tham mưu kiện toàn Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương bằng việc ngày 24/1/2022, NHNN ban hành quyết định thành lập Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam; ban hành quy chế hoạt động của Tổ giúp việc.

Đã phối hợp với Ban Thư ký FATF và các đơn vị liên quan tổ chức khóa đào tạo cho các thành viên Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương của APG về quy trình rà soát ICRG.

Hiện nay, Cơ quan TTGSNH đang làm đầu mối xây dựng, tổng hợp báo cáo theo dõi hậu đánh giá (FUR) và báo cáo tiến triển hậu quan sát (POPR).

Trước đó, ngày 18/5/2022, NHNN đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin thực hiện báo cáo POPR. 

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra