Cập nhật thông tin lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế

Thứ năm, 22/09/2022 08:30
(ThanhtraVietNam) - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được ứng dụng trên cả nước. Tuy nhiên, do việc giải quyết, cập nhật thông tin các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tại một số địa phương chưa cập nhật kịp thời lên Hệ thống dẫn tới khi tiếp công dân tại Bộ Xây dựng, cán bộ tiếp dân không xem xét được các thông tin giải quyết của địa phương nên gặp khó khăn trong giải thích, hướng dẫn cho công dân.

Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Lãnh đạo Bộ Xây dựng quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó chú trọng việc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương như: Chỉ thị số 35 - CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14 ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn (các nội dung liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo); Quy định 11- QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của công dân và các văn bản của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Cùng với đó, công tác tiếp công dân cũng được đổi mới, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành lịch tiếp công dân các tháng trong năm của Bộ trưởng. Tại các cuộc tiếp dân định kỳ lãnh đạo Bộ đã xem xét, chỉ đạo các đơn vị chức năng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời và ủy quyền cho Thanh tra Bộ tiếp công dân thường xuyên, cộng tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo thực hiện hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan qua đó đã từng bước giải quyết triệt để các vụ việc, tạo được sự đồng thuận của người dân góp phần tích cực đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo hàng tháng, hàng quý.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế  trong công tác tiếp dân như việc kết nối thông tin giải quyết đơn của công dân giữa các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng với địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời nên trong một số trường hợp khi công dân đến Trụ sở tiếp công dân hỏi kết quả giải quyết đơn còn bị chậm, chưa đáp ứng được nguyện vọng của công dân. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại là chậm so với quy định như đã nêu ở trên do thời gian thu thập thông tin, xác minh tại các địa phương còn kéo dài, lực lượng công chức tham gia giải quyết còn thiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gây khó khăn trong việc xác minh.

leftcenterrightdel
Kết nối thông tin giải quyết đơn của công dân còn hạn chế 

Về nguyên nhân của những tồn tại này, Bộ Xây dựng nhận định, hiện nay, phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được ứng dụng trên cả nước, tuy nhiên do việc giải quyết, cập nhật thông tin các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tại một số địa phương chưa được quan tâm, chú trọng cụ thể là cán bộ giải quyết chưa cập nhật lên Hệ thống dẫn đến khi tiếp công dân tại Bộ Xây dựng, cán bộ tiếp dân không xem xét được các thông tin giải quyết của địa phương nên gặp khó khăn trong quá trình giải thích, hướng dẫn cho công dân; vì vậy, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao.

Bộ Xây dựng cũng cho biết trong công tác giải quyết khiếu nại, đối với các vụ việc tồn đọng thường xảy ra quá lâu nhất là khiếu nại về nhà đất tồn đọng, việc lưu trữ hồ sơ ở các địa phương không đầy đủ, chủ sở hữu nhà đất thì nhiều người đã mất hoặc định cư ở nước ngoài, những người đi khiếu nại là con, cháu của chủ nhà hoặc người được ủy quyền đồng thời do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài nên việc thu thập hồ sơ gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết phải kéo dài. Các khiếu nại liên quan đến đòi nhà tôn giáo thường gay gắt, có tính chất nhạy cảm, vì vậy, việc giải quyết vừa phải đảm bảo đúng pháp luật, vừa phải mềm dẻo để giữ vững ổn định chung của xã hội. Quan điểm giải quyết và nguyên tắc vận dụng pháp luật của các cơ quan còn khác nhau, có vụ việc phải đi kiểm tra, xác minh thực tế, trao đổi với địa phương và các ban ngành, hoặc phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ ban hành quyết định giải quyết theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định của chính sách hiện hành thì nay Nhà nước không xem xét lại việc quản lý của Nhà nước trước đây là đúng hay sai; không thừa nhận việc đòi lại nhà mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng; vì vậy, trong một số trường hợp người dân rất bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Ngành Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, khắc phục được những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu thống nhất gây khó khăn cho việc áp dụng giải quyết. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kết hợp với tăng cường, phân công, phân cấp quản lý nhà nước.

Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Thông báo số 121/TB-BXD ngày 29/12/2021 về Lịch tiếp công dân định kỳ năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ; kiểm tra, rà soát, giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, gắn công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng có nguy cơ cao phát sinh khiếu nại, tố cáo như quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, cải tạo nhà ở chung cư cũ, kinh doanh bất động sản và nhà ở... kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành các Quyết định hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; xử lý, kiến nghị giải quyết kịp thời, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, cố ý làm trái pháp luật hoặc lợi dụng pháp luật của tập thể, cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Nâng cao đạo đức của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, chú trọng tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra