Một số nội dung cơ bản của Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân

Thứ tư, 18/05/2022 16:44
(ThanhtraVietNam) - Ngày 26/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (sau đây gọi là Nghị định 64).

Nghị định 64 quy định chi tiết về việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Đối tượng áp dụng của Nghị định 64 là cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công nghiệp, người tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân. 

Thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng

Nghị định 64 quy định rõ, các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô về tổ chức và hoạt động, yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bố trí công chức thanh tra làm nhiệm vụ tiếp công dân. Đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức của bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp công dân. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập quy định việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định.

Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình; trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình; thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp: vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân; trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo cho công dân biết thời gian trả lời.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tiếp công dân trung ương

Tại Nghị định 64, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân trung ương được quy định rõ. Theo đó, đối với việc tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Ban Tiếp công dân Trung ương bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Trung ương; Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa người của Ban Tiếp công dân Trung ương với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương tiếp công dân. Đồng thời, giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

Đối với việc phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Ban Tiếp công dân Trung ương phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương hoặc qua đường bưu điện hoặc do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương và cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Mặt khác, hướng dẫn hoặc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết đối với đơn đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp công dân Trung ương, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Về việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Nghị định 64 chỉ rõ, Ban Tiếp công dân Trung ương theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển đến; Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển đến khi được Tổng Thanh tra Chính phủ giao.

Ngoài ra, Ban Tiếp công dân Trung ương tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Trung ương, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; báo cáo định kỳ và đột xuất với Thanh tra Chính phủ, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Đối với trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung, Nghị định 64 quy định rõ, Ban Tiếp công dân Trung ương tổ chức tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung; Phối hợp với Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; Phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân Trung ương  có nhiệm vụ tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phối hợp với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tham mưu giúp Tổng thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân và xử lý đơn; Thực hiện nhiệm vụ khác do Tổng thanh tra Chính phủ giao.

Lịch tiếp công dân phải được niêm yết công khai

Việc tiếp công dân của các Ban Tiếp công dân và các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thực hiện được quy định cụ thể tại Nghị định 64. Theo đó, Ban Tiếp công dân Trung ương làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất. Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân Trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương theo quy định của Luật Tiếp công dân;

Ban Tiếp công dân cấp tỉnh làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất. Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Tiếp công dân;

Ban Tiếp công dân ở cấp huyện làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất. Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện theo quy định của Luật Tiếp công dân; Công chức kiêm nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp công dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Hội đồng nhân dân cấp xã bố trí cán bộ tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

Nghị định 64 quy định rõ, lịch tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải được niêm yết công khai. Người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp tiếp công dân đột xuất thực hiện theo sự phân công của Trưởng Ban Tiếp công dân hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn Internet) 

Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải bố trí người có năng lực, trình độ phù hợp làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên. Việc cử người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải được thông báo bằng văn bản cho Trưởng Ban Tiếp công dân, trong đó nêu rõ họ tên, chức vụ, phạm vi nhiệm vụ. Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải thực hiện đúng quy chế tiếp công dân, nội quy của Trụ sở tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ được phân công; chấp hành chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức mình và điều hành của Trưởng Ban Tiếp công dân trong khi tiếp công dân; phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức khác trong Trụ sở tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân có trách nhiệm nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

Nghị định 64 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014. Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại và Nghị định số 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 64 có hiệu lực thi hành./.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra