Hậu Giang:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân

Thứ năm, 08/09/2022 15:43
(ThanhtraVietNam) - Tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đối với người đứng đầu cấp ủy. Đây cũng là một trong những nội dung, yêu cầu quan trọng tại Quy định số 11-QĐi/TW (Quy định số 11) được Bộ Chính trị ban hành.

Người đứng đầu cấp ủy thực hiện tốt việc tiếp dân

Theo Quy định số 11 có hiệu lực từ ngày 18/02/2019 nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân. Cụ thể, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp thực hiện tiếp dân, kịp thời đối thoại khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh của dân; ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân...

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện Quy định số 11, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa việc thực hiện Quy định số 11 như Công văn số 932/2019 về việc triển khai, thực hiện Quy định số 11; Kế hoạch số 135/2019 về người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế số 06/2022 về Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của dân.

Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy của Đảng bộ tỉnh, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thường xuyên tổ chức, lắng nghe các địa phương và sở, ban, ngành báo cáo những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, những vụ việc còn nhiều vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy luôn sắp xếp lịch làm việc 1 ngày/tháng để thực hiện việc tiếp công dân theo quy định.

leftcenterrightdel
Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo trên địa bàn tỉnh

Điển hình, tại huyện Châu Thành, quán triệt Quy định số 11 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quy chế số 04 về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân. Trong 7 tháng đầu năm, Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp tiếp 3 công dân có phản ánh, kiến nghị tại địa phương, đồng thời tổ chức 14 cuộc đối thoại trực tiếp với dân. Qua công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy đã tiếp nhận chủ yếu các kiến nghị về vấn đề dân sinh, không có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người dân về suy thoái, “tự chuyển biến” “tự chuyến hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Tại Thành ủy Ngã Bảy, đơn vị cũng quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 11 của Bộ Chính trị. Qua đó, trong 7 tháng đầu năm, Bí thư Thành ủy đã trực tiếp tiếp 2 lượt cán bộ, đảng viên. Đối với cấp xã, phường đã thực hiện tiếp 48 cuộc, hầu hết các ý kiến, phản ánh tại các buổi tiếp dân đều được ghi nhận và giải quyết theo quy định.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Bí thư Thành ủy Ngã Bảy, để làm tốt công tác tiếp công dân, bí thư cấp ủy các cấp của thành phố luôn chủ động bố trí thời gian, sắp lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, tạo mọi điều kiện để công dân gặp gỡ người đứng đầu cấp ủy. Đồng thời, lãnh đạo Thành ủy cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác này đối với các địa phương.

Có nhiều chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy định số 11 tại các địa phương, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết đạt cao.

Cùng với việc tiếp dân định kỳ, người đứng đầu cấp ủy các cấp quan tâm và dành thời gian tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân để lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, đề xuất của người dân; các cơ quan chức năng trong tỉnh đã kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, không để phát sinh các vụ việc phức tạp về khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện tốt Quy định số 11 trong công tác tiếp công dân sẽ góp phần giúp người đứng đầu cấp ủy lắng nghe được tiếng nói, ý kiến, nguyện vọng của người dân, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Và thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy quan tâm tiếp dân, chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân ngay từ đầu thì nơi đó sẽ không xảy ra điểm nóng./.

Khánh Nghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra