Thị trường chứng khoán Việt Nam:

Cần có những giải pháp phù hợp thu hút doanh nghiệp lên sàn

Thứ hai, 06/06/2022 10:02
(ThanhtraVietNam) - Số nhà đầu tư tăng rất nhanh nhưng số cổ phiếu mới trên sàn không tăng. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động thông suốt, an toàn, Bộ Tài chính cần có giải pháp, chỉ đạo, tạo hàng mới cho TTCK và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gọi vốn qua TTCK…

TTCK cần có hàng hóa mới, chất lượng, để nuôi dưỡng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổng kết tháng 5/2022 không có cổ phiếu mới nào lên sàn cũng như cổ phiếu mới niêm yết. Không riêng tháng 5/2022, sàn niêm yết Việt Nam thiếu vắng cổ phiếu mới trong nhiều tháng trở lại đây. Hàng tháng, cả hai Sở đều thực hiện công bố thông tin thống kê thị trường, nhưng tại HOSE, thống kê niêm yết chủ yếu là các chứng quyền, còn tại sàn HNX, hồ sơ đăng ký niêm yết hầu như là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Từ góc độ pháp lý, việc các doanh nghiệp không mặn mà nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HNX là có thể hiểu được, khi Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) chỉ quy định 1 tiêu chuẩn niêm yết chung cho sàn HOSE, HNX; đồng thời, quy định việc tái cấu trúc TTCK Việt Nam theo hướng, sàn HOSE là nơi tập trung giao dịch cổ phiếu; sàn HNX sẽ là nơi tập trung giao dịch phái sinh và TPDN.

Tuy vậy, tại sàn HOSE, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng cộng chỉ có 5 doanh nghiệp niêm yết (CTCP Điện lực; CTCP Minh Hưng Quảng Trị; CTCP Hạ tầng giao thông Đèo Cả; CTCP Phát điện 3; CTCP Công trình Viettel) là một thực tế cần lý giải, để có những giải pháp phù hợp thu hút doanh nghiệp lên sàn.

Ngược về trước, nửa đầu năm 2021, sàn HOSE gặp khó khăn trong việc xử lý lượng lệnh quá lớn từ nhà đầu tư, nên giai đoạn này, có những ý kiến cho rằng, sàn HOSE nên ngừng nhận hồ sơ niêm yết mới, có thể là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “ngại” đưa cổ phiếu vào niêm yết. Từ nửa cuối năm 2021 đến nay, HOSE “thông sàn” giao dịch, nhưng các doanh nghiệp vẫn không mặn mà đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE. Ngoài lý do chủ quan là doanh nghiệp gặp thách thức trong kinh doanh vì Covid-19, thì việc nhiều doanh nghiệp không cảm thấy lợi ích rõ ràng nếu đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết tại Việt Nam cũng là một nguyên nhân cần được xem xét.

Có thể thấy, sàn chứng khoán Việt Nam quá ít cổ phiếu mới trong thời gian dài vừa qua. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Thành tích của thị trường hàng tháng, hàng năm được các bên liên quan ghi nhận bằng các tiêu chí như số nhà đầu tư mới (F0); thanh khoản; biến động của VN-Index…, trong khi các chỉ tiêu cốt lõi như số doanh nghiệp niêm yết mới; số vốn doanh nghiệp huy động được qua TTCK… thì rất ít được đề cập trong các báo cáo, đánh giá về TTCK Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên TTCK

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để phát triển hiệu quả, lành mạnh, minh bạch TTCK, để thị trường này là một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán từ nay đến cuối năm 2022 đã được nêu ra. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK, nhất là qua 2 năm Covid vừa qua. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK…

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK trong thời gian tới. Sở GDCK Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.

Bộ Tài chính yêu cầu UBCK tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên TTCK; khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm có yếu tố hình sự cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên thị trường.

Có thể thấy, những giải pháp này nhằm đảm bảo công tác quản lý điều hành thị trường đạt hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho TTCK phát triển ổn định, thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, với các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư, các giải pháp trên là chưa đủ. Điều chờ đợi nhất là TTCK có hàng hóa mới, chất lượng, để nuôi dưỡng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán; đồng thời, tăng cơ hội chọn lựa hàng tốt cho các nhà đầu tư, nhưng chưa được đề cập trong những giải pháp tới đây của ngành.

Thống kê của UBCK cho thấy, đến cuối năm 2021, cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM mới thu hút được 1.575 doanh nghiệp đưa cổ phiếu vào giao dịch. Ngoài con số này, UBCK cho biết, có 241 doanh nghiệp đã đăng ký công ty đại chúng, nhưng chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK. Cộng dồn số doanh nghiệp trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM với doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn nhưng đã đăng ký đại chúng (tính đến cuối năm 2021), cả nước mới có chưa đầy 1.820 doanh nghiệp phải minh bạch thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán.

Nếu đặt con số 1.820 bên cạnh con số 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp niêm yết, đại chúng trong danh sách của UBCK còn quá nhỏ, chỉ chiếm 0,22% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Con số này có thể chưa bao quát, chưa cập nhật hết số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đại chúng trong nền kinh tế Việt Nam...

Trong khi đó, số nhà đầu tư và số hàng  hóa mới trên TTCK không đồng pha, cụ thể số nhà đầu tư tăng rất nhanh, nhưng số cổ phiếu mới trên sàn không tăng, là một điểm lệch lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để TTCK hoạt động thông suốt, an toàn, Bộ Tài chính cần có thêm các giải pháp, các chỉ đạo tạo hàng mới cho TTCK và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gọi vốn qua TTCK, để cán cân cung - cầu trên thị trường cân bằng hơn, thu hút dòng vốn đầu tư thực chất và bền vững hơn. Việc tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng là giải pháp để TTCK hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch cho TTCK./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra