Công ty cổ phần chứng khoán VPS có định hướng can thiệp thị trường chứng khoán phái sinh?

Thứ năm, 16/06/2022 17:14
(ThanhtraVietNam) - Thời gian vừa qua, việc Công ty CP Chứng khoán VPS (VPS) khuyến nghị nhà đầu tư sử dụng lệnh Bán (Short) trên thị trường phái sinh để phòng vệ tài khoản đã gây ra nhiều tranh cãi. Đáng chú ý, VPS đang là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường phái sinh và cơ sở.

Thực trạng thị trường phái sinh ở Việt Nam

Ở các thị trường phát triển, phái sinh là công cụ tài chính hiệu quả dựa trên giá của loại tài sản cơ sở. Công cụ này hỗ trợ nhà đầu tư phân tán rủi ro, bảo vệ và tạo ra lợi nhuận, góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu. Bằng việc phân bổ tỷ trọng hợp lý, danh mục cổ phiếu của nhà đầu tư có thể bảo toàn qua việc “hedge risk” (phòng ngừa rủi ro). Nếu thị trường giảm, lợi nhuận từ việc bán hợp đồng tương lai được bù đắp cho khoản sụt giảm của cổ phiếu cơ sở đang nắm giữ. Ngược lại, việc thua lỗ trên hợp đồng tương lai có thể xem là khoản chi phí bảo hiểm cho danh mục cơ sở, trong khi giá trị của danh mục vẫn tăng theo thị trường chung.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay dù đã cải thiện đáng kể vẫn thiếu các sản phẩm phái sinh cho hoạt động đầu tư như bán khống, T0, quyền chọn. Sản phẩm chứng khoán phái sinh chủ yếu mà nhà đầu tư Việt sử dụng là hợp đồng tương lai. Hợp đồng tương lai là công cụ hữu hiệu để nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro, nếu thị trường gặp biến động mạnh sau chuỗi tăng điểm ấn tượng vừa qua.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2007 - 2009, giao dịch phái sinh trên cổ phiếu (chủ yếu là quyền chọn cổ phiếu) đã được các công ty chứng khoán giao dịch trực tiếp với khách hàng. Đến ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức được ra đời với sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai bộ chỉ số VN30. Với sự kiện này, Việt Nam là quốc gia thứ năm có thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực ASEAN bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao.

Ngày 4/7/2019, thị trường chứng khoán phái sinh có sự góp mặt của sản phẩm thứ 2 là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm. Đến ngày 28/6/2021 có thêm sản phẩm thứ 3 là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, góp phần nâng số lượng sản phẩm phái sinh được niêm yết lên 3 sản phẩm, tuy nhiên 2 sản phẩm sau không cho phép NĐT cá nhân tiếp cận.

“Short để bảo vệ thị trường”

Thời gian vừa qua, khi mà thị trường có những phiên lao dốc rất mạnh, trong email gửi tới khách hàng, VPS khuyến cáo nhà đầu tư có thể sử dụng phái sinh làm công cụ phòng vệ chủ động (hedging) giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục chứng khoán cơ sở khi thị trường điều chỉnh.

“Hedging phái sinh là kỹ thuật phòng vệ đặc biệt khi nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu bằng cách sử dụng lệnh Short trong công cụ phái sinh (Short hay Short Position là vị thế của bên tham gia vào thị trường với kỳ vọng giá của tài sản sẽ giảm xuống). Công cụ chứng khoán phái sinh phù hợp với 3 dạng nhà đầu tư: Tham gia bắt đáy cổ phiếu, giá cổ phiếu có thể xuống tiếp; đang nắm giữ cổ phiếu nhưng không kịp bán khi cổ phiếu giảm rất nhanh, đang chịu mức lỗ lớn và đang chưa cắt lỗ; có xu hướng đầu tư dài hạn, nắm giữ cổ phiếu trong khoảng thời gian dài và không thường xuyên giao dịch. 1 lệnh Short tương ứng với 20 triệu đồng”, email của VPS nêu rõ.

leftcenterrightdel
 Email công ty cổ phần chứng khoán VPS gửi các nhà đầu tư. Ảnh: PV

Lý giải về khuyến cáo này, Giám đốc E-Broker VPS Đỗ Hoàng Quân chia sẻ trên VTV cho biết, đứng trước việc thị trường giảm khoảng 10%, từ 1.500 xuống 1.400 điểm, rất nhiều nhà đầu tư hoang mang và thị trường có khả năng xuống tiếp, VPS nhận thấy, với lượng khách hàng cầm lượng lớn chứng khoán nếu bán ra bằng mọi cách sẽ gây hệ lụy rất lớn cho thị trường. Do đó, VPS đã nghiên cứu và đưa ra sản phẩm này. Phái sinh là công cụ phòng vệ được các quỹ đầu tư, tổ chức lớn thường sử dụng. Điều này vừa bảo vệ tài khoản của nhà đầu tư nếu thị trường xuống tiếp vừa bảo vệ thị trường khi có thể giảm sâu.

VPS có "định hướng" thị trường chứng khoán?

Từ vị trí thứ 7 năm 2017 với thị phần môi giới hợp đồng tương lai ở mức 3.63%  Công ty cổ phần Chứng khoán VPS mất khoảng 2 năm để vươn lên vị trí đứng đầu với thị phần sở hữu, bỏ xa các đối thủ đứng ở vị trí thứ 2, 3 và có màn đổi ngôi cực kỳ ngoạn mục từ thị phần 3.63% năm 2017 đã nâng lên khoảng trên 50% ở các năm 2019 - 2021. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS đã 3 năm liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới hợp đồng tương lai bộ chỉ số VN30, với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với đối thủ xếp sau. Sự áp đảo được thể hiện qua bảng thống kê của vietstock.vn khi công ty này dẫn đầu thị phần môi giới HNX về chứng khoán phái sinh, công ty chiếm 55.54% năm 2021 và lớn hơn tổng thị phần của các đối thủ khác trong top 10 cộng lại.

Qua đây có thể thấy, nếu toàn bộ nhà đầu tư phái sinh mà VPS tư vấn đặt lệnh short sẽ có thể định hướng thị trường phái sinh giảm mạnh. Về bản chất hợp đồng tương lai VN30 là sự kỳ vọng vào giá trị tương lai của thị trường chứng khoán nhưng khi đã có một sự dẫn dắt định hướng như vậy thì rất có thể góp thêm phần làm cho thị trường chứng khoán lao dốc.

Bên cạnh đó, với việc biết chắc xu hướng hợp đồng tương lai sẽ giảm giá thì việc tự doanh phái sinh của chính công ty VPS sẽ chắc chắn kiếm được khoản lợi nhuận lớn nhờ viêc đặt lệnh short. Chỉ số hợp đồng tương lai VN30 càng giảm sâu thì lợi nhuận từ tự doanh phái sinh của VPS sẽ càng lớn. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự thao túng này?

Thực tế, phòng vệ phái sinh giúp nhà đầu tư bảo vệ được tài khoản trong trường hợp thị trường biến động khó lường. Việc công ty chứng khoán đưa ra các khuyến nghị giúp nhà đầu tư bảo vệ tài khoản là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khuyến nghị dùng lệnh Short phái sinh của VPS "cần được xem xét”.

Công cụ phái sinh để phòng vệ tài khoản có hai hướng là dùng lệnh Short và lệnh Long. Nếu công ty chứng khoán chỉ tư vấn khách hàng nên sử dụng công cụ phái sinh thì là việc rất bình thường. Nhưng trong trường hợp này, VPS lại khuyến nghị cụ thể là dùng lệnh Short, tức là đánh xuống, như vậy có phải VPS định hướng thị trường? Các cơ quan quản lý cần làm rõ việc VPS đưa ra khuyến nghị có đúng quy định hay không? Đây có phải là tác nhân khiến thị trường đi xuống, bởi số lượng nhà đầu tư là khách hàng của VPS rất lớn, nằm trong top đầu toàn thị trường? UBCKNN nên chăng cần tiến hành rà soát việc tự doanh phái sinh của VPS trong thời gian qua khi mà công ty này đưa ra khuyến nghị short cho các nhà đầu tư, đồng thời có hay không việc can thiệp thị trường chứng khoán phái sinh?

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra