Hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam trong sự phát triển của thị trường chứng khoán

Thứ tư, 18/05/2022 17:00
(ThanhtraVietNam) - Trải qua hơn 25 năm thành lập và hoạt động, ngành chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào. Trong thành công này, không thể không nhắc tới những dấu chân bền bỉ và sự đóng góp tích cực của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Vai trò, hoạt động của VSD trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán được thành lập theo Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg ngày 27/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp có thu. Ngày 18/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động sang mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Với vị thế này, VSD đã nâng cao tính tự chủ về tài chính, tách biệt quản lý nhà nước với công tác điều hành, nâng cao vai trò trong quan hệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu đổi mới công nghệ.

Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/1/2021), VSD sẽ hoạt động theo mô hình Tổng công ty với tên gọi mới là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN. Việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN theo Luật chứng khoán năm 2019 sẽ giúp VSD nâng tầm vị thế, mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ giao dịch cho thị trường như triển khai chức năng đối tác trung tâm (Central Counterparty - CCP) cho không chỉ thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh mà cả TTCK cơ sở; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN theo yêu cầu của khách hàng thay vì việc khách hàng phải đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, cũng như mở rộng và hoàn thiện hệ thống thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN.

Như vậy hoạt động của VSD trong TTCK Việt Nam sẽ được thực hiện theo Điều 55 Luật chứng khoán 2019 quy định về Quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam:

“1. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có các quyền sau đây:

a) Ban hành các quy chế về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán và các quy chế nghiệp vụ khác sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận;

b) Cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng; cung cấp dịch vụ khác quy định tại Điều lệ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

c) Thực hiện cấp mã chứng khoán trong nước và mã số định danh chứng khoán quốc tế cho các loại chứng khoán đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

d) Chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

đ) Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký;

e) Được sử dụng các nguồn hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam tạm thời mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật;

g) Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán;

b) Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính; báo cáo, công bố thông tin theo quy định của pháp luật;

c) Giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

d) Xây dựng quy trình hoạt động và quản lý rủi ro cho từng nghiệp vụ;

đ) Có biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu và lưu giữ các chứng từ gốc về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;

e) Cung cấp thông tin liên quan đến việc sở hữu chứng khoán của người sở hữu chứng khoán trong công ty đại chúng, tổ chức phát hành theo yêu cầu của công ty đại chúng, tổ chức phát hành đó và cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng; từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu cung cấp thông tin của kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, báo cáo tài chính của thành viên lưu ký theo quy định của pháp luật;

h) Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư;

i) Cung cấp thông tin và phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong hoạt động nghiệp vụ chứng khoán và cơ quan có thẩm quyền trong công tác điều tra, phòng, chống vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

k) Quản lý tách biệt tài sản của khách hàng, tài sản của khách hàng với tài sản của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; quản lý tách biệt tài sản của các quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ bù trừ, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

l) Bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, trừ trường hợp bất khả kháng;

m) Hoạt động vì lợi ích của người gửi chứng khoán, người sở hữu chứng khoán;

n) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

3. Cán bộ, nhân viên, người lao động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam trong khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tuân thủ quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy định về bảo mật thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

leftcenterrightdel
 Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Ảnh: baophapluat.vn

Những đóng góp “thầm lặng” của VSD trong sự lớn mạnh của ngành chứng khoán

Những năm qua, VSD đã và đang hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình, bảo đảm cho các dòng tiền và tài sản trên thị trường chứng khoán luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn hiệu quả và bảo mật, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của toàn ngành chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Cùng với việc không ngừng mở rộng quy mô, phạm vi cung cấp dịch vụ mở rộng, khối lượng công việc do VSD thực hiện ngày càng gia tăng theo quy mô của thị trường, song VSD luôn vận hành tốt hệ thống hỗ trợ giao dịch chứng khoán, bảo đảm cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả suốt 15 năm hoạt động và chưa để xảy ra gián đoạn trong các hoạt động nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến thị trường.

VSD cũng luôn tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm/dịch vụ sau giao dịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ cho thị trường chứng khoán. Ngoài các mặt hoạt động nghiệp vụ chính, VSD đã tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm/dịch vụ sau giao dịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ đáp ứng quy mô ngày càng lớn cho thị trường chứng khoán và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện, VSD đang nghiên cứu triển khai một số sản phẩm/dịch vụ mới như: nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD; đăng ký tài khoản tổng và chứng chỉ lưu ký (DR), dịch vụ Sổ cổ đông điện tử (E-passbook); các ứng dụng công nghệ thông tin (big data, blockchain, fintech) vào hoạt động nghiệp vụ của VSD.

Ngoài ra, VSD cũng tích cực hội nhập, góp phần nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán trên trường quốc tế. VSD đã thiết lập được quan hệ song phương và đa phương, với nhiều tổ chức, Hiệp hội và diễn đàn chuyên ngành trong khu vực và quốc tế. Sau 15 năm phát triển, bên cạnh việc ký kết hàng loạt các biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức bù trừ thanh toán và lưu ký, tổ chức tài chính của các nước trong khu vực và thế giới, VSD đã là thành viên chính thức nhiều Hiệp hội, diễn đàn chuyên ngành, đăng cai thành công một số cuộc họp và hội thảo quốc tế để lại dấu ấn rõ nét.

Qua 15 năm thành lập và phát triển, VSD đã khẳng định được vai trò và vị thế là tổ chức duy nhất của cả nước trong việc cung cấp các dịch vụ sau giao dịch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. VSD đã 2 lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2010, 2017) và đặc biệt năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động, VSD đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng II.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật chứng khoán 2019

2. https://nhandan.vn/chungkhoan/thanh-vien-tham-lang-trong-su-thanh-cong-cua-thi-truong-chung-khoan-684286/

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra