Minh bạch thông tin để phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Thứ năm, 15/09/2022 10:11
(ThanhtraVieNam) - Chính phủ yêu cầu nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán (TTCK), song không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) chủ động tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát quá trình công bố thông tin của DN.

Vận hành thị trường theo đúng nguyên tắc “công khai, công bằng và minh bạch”

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế. Để đảm bảo thị trường này vận hành theo đúng nguyên tắc “công khai, công bằng và minh bạch”, điều kiện tiên quyết là cần thực hiện tốt việc công bố đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin của tổ chức, DN.

Những năm qua, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển nhanh. Chỉ số, giá trị giao dịch và số lượng nhà đầu tư (NĐT) mới... liên tục gia tăng. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xuất hiện nhiều hành vi tiêu cực, thiếu minh bạch gây ra không ít sóng gió, ảnh hưởng đến thị trường. Từ cuối tháng 3/2022 tới nay, TTCK chứng kiến nhiều phiên giảm điểm liên tục, điển hình tại phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) còn 1.310,92 điểm trước áp lực bán mạnh của khối nội.

Những diễn biến này chính là kết quả của sự tác động đồng thời nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ở cả trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, trong số đó, không thể không nhắc tới sự ảnh hưởng không nhỏ của các vụ việc thao túng cổ phiếu, hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, đưa thông tin sai lệch, mua bán chênh lệch bất thường trong phiên... Những vụ việc trên xuất phát từ sự kém minh bạch của các DN. Một lần nữa, yêu cầu về việc thực hiện công khai thông tin trên TTCK lại càng trở nên cấp thiết.

Các hành vi thiếu minh bạch trên TTCK diễn ra dưới nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có thể liệt  kê ra gồm: vi phạm nguyên tắc công bố thông tin liên quan đến DN và giao dịch như công bố không kịp thời, công bố thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật, không báo cáo các giao dịch mua bán cổ phiếu.

Cũng như việc không công bố thông tin trước khi giao dịch hoặc không ghi nhận trong báo cáo tình hình quản trị công ty về giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan; Lợi dụng tình trạng bất cân xứng thông tin trên TTCK, một số tổ chức, cá nhân đã đăng tải các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội để “thổi giá” cổ phiếu, tạo lập và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán cổ phiếu để trục lợi, gây thiệt hại cho NĐT...

Tại Việt Nam, tuy là lực lượng đông đảo, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng TTCK, nhưng các NĐT vừa và nhỏ thường xuyên phải chịu tình trạng bất cân xứng thông tin. So với các cổ đông nội bộ, người có liên quan, luật sư, kiểm toán viên và các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, nhóm NĐT cá nhân thường không nắm bắt kịp thời hoặc hoàn toàn không biết tới các thông tin trọng yếu, có ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu của công ty như các vụ mua bán, sáp nhập, thay đổi lãnh đạo DN hoặc dự báo sớm kết quả kinh doanh, các dự án lớn sắp triển khai...

Giới chuyên gia tài chính đồng quan điểm khi cho rằng Nhà nước cần tác động vào thị TTCK thông qua con đường thiết lập cơ chế thực hiện việc công bố thông tin một khách khoa học, hiệu quả, coi đây là trọng tâm trong công tác quản lý thị trường vốn. Cơ chế này cần đảm bảo việc công bố thông tin của DN đáp ứng được yêu cầu: đầy đủ, chính xác, kịp thời, liên tục, phù hợp với chuẩn mực kế toán và công bằng giữa các đối tượng tiếp nhận thông tin. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước về TTCK cần làm tốt những việc sau:

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: intetnet 

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát quá trình công bố thông tin của DN

Hoàn thiện quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của kế toán viên, làm rõ địa vị pháp lý của kế toán viên trong DN. Cần tăng cường thực thi pháp luật, đặc biệt là truy cứu trách nhiệm đối với lãnh đạo các DN có hành vi ép buộc hoặc gợi ý kế toán viên làm trái chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm che giấu hoặc làm giả thông tin tài chính. Cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, xây dựng các quy tắc cụ thể để thực hiện các quy định về kế toán, kiểm toán và làm rõ thông tin kế toán.

Tăng cường cơ chế kiểm soát, giám sát của cổ đông thiểu số đối với hoạt động của DN. Thực tế cho thấy, cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần trong trường hợp có xung đột lợi ích với cổ đông lớn thì hầu hết sẽ không được bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó, cổ đông lớn thường có khuynh hướng lạm dụng quyền cổ đông, thao túng toàn bộ hoạt động của DN, thậm chí ngăn cản cổ đông thiểu số thực hiện quyền kiểm tra, giám sát và quyền khởi kiện người quản lý...

Cùng với đó, tăng cường vai trò của Ban kiểm soát trong DN. Là cơ quan độc lập trong DN cổ phần, bản chất hoạt động của Ban kiểm soát là nhằm đảm bảo tính minh bạch, cẩn trọng trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, ngăn chặn các hành vi như che giấu thông tin, giao dịch nội gián...

Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ của DN nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, thiết lập và hoàn thiện hệ thống kế toán DN. Các DN cần tận dụng tối đa vai trò của kiểm toán nội bộ và trao cho kiểm toán nội bộ một vị thế tương đối độc lập trong DN. Tăng cường kiểm toán nội bộ sẽ giúp hạn chế hành vi can thiệp vào quy trình kế toán nhằm mục đích tư lợi của các nhà quản lý DN, cũng như giúp chuẩn hóa việc công bố thông tin.

Ngoài ra, cần tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTCK. Một trong những vi phạm phổ biến nhất trên TTCK hiện nay chính là vi phạm về công bố thông tin. Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đưa ra mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc từ 03 tháng đến 05 tháng tùy giá trị giao dịch.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, đảm bảo cho thị trường vốn hoạt động hiệu quả, Chính phủ yêu cầu nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, song không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, khuyến khích các DN chủ động tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát quá trình công bố thông tin của DN, tạo điều kiện cho bên vi phạm được khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho NĐT, ngăn chặn từ đầu các hành vi vi phạm, gây tổn hại cho TTCK./.

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra