Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cần phê duyệt kế hoạch thanh tra đúng quy định

Thứ năm, 08/09/2022 09:59
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu quản lý, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần xác định rõ phương hướng hoạt động, nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra để các cơ quan thanh tra làm căn cứ thực hiện, do đó, việc ban hành định hướng chương trình thanh tra (CTTT), phê duyệt kế hoạch thanh tra (KHTT) phù hợp, rõ ràng, đúng quy định là rất cần thiết.

Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm trình định hướng

Theo quy định của Luật Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh), Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, CTTT, văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra; lập KHTT của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra bộ, tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện KHTT.

Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng CTTT và tổ chức triển khai Định hướng; chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các Thanh tra bộ; giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh.

Thanh tra bộ xây dựng KHTT trình Bộ trưởng phê duyệt; tổ chức thực hiện KHTT thuộc trách nhiệm của Thanh tra bộ; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KHTT thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ.

Thanh tra tỉnh xây dựng KHTT trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.

Thanh tra sở có nhiệm vụ xây dựng KHTT trình Giám đốc sở phê duyệt; tổ chức thực hiện KHTT thuộc trách nhiệm của Thanh tra sở; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KHTT của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở.

Trong quản lý nhà nước về thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, Thanh tra huyện có nhiệm vụ xây dựng KHTT trình Chủ tịch UBND phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch.

Định hướng CTTT là văn bản xác định phương hướng hoạt động thanh tra trong 1 năm của ngành thanh tra do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ.

KHTT là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong 1 năm do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng để thực hiện Định hướng CTTT và yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất 25/11, Chủ tịch UBND tỉnh phải phê duyệt kế hoạch

Về thời hạn xây dựng, phê duyệt Định hướng CTTT, KHTT, Điều 36 Luật Thanh tra đã quy định khá chi tiết.

Theo đó, chậm nhất vào 15/10 hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng CTTT. Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm xem xét, phê duyệt chậm nhất vào 30/10. Sau khi được phê duyệt, Định hướng được Thanh tra Chính phủ gửi cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Định hướng CTTT phải xác định rõ mục đích, yêu cầu thanh tra; nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong 1 năm; phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

KHTT của Thanh tra Chính phủ được xây dựng dựa vào Định hướng đã được phê duyệt; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý nhà nước; việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội hàng năm của các bộ, ngành, địa phương; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm… Các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu; dự kiến đơn vị sẽ thanh tra để đơn vị chủ trì chủ trì xây dựng KHTT hoàn chỉnh dự thảo, xin ý kiến các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và trình Tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành chậm nhất vào 10/11.

Chậm nhất 15/11 hằng năm, Chánh Thanh tra bộ, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ Định hướng CTTT, hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của bộ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, UBND cấp tỉnh trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt KHTT chậm nhất vào 25/11.

Chậm nhất vào 5/12 hằng năm, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở, Chánh Thanh tra huyện căn cứ vào KHTT của Thanh tra bộ, tỉnh và yêu cầu công tác quản lý của sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra, UBND cấp huyện trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt KHTT chậm nhất vào 15/12.

Khoản 5 Điều 36 Luật Thanh tra quy định các KHTT sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức liên quan.

leftcenterrightdel
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu, những tháng cuối năm, ngành Thanh tra cần bám sát Định hướng CTTT, yêu cầu, chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện hoàn thành KHTT. 

Kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện, xử lý chồng chéo

Thông tư 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra bộ, tỉnh căn cứ quy định của Thông tư này hướng dẫn chi tiết việc xây dựng KHTT trong phạm vi quản lý của cơ quan mình.

Cụ thể, việc xây dựng định hướng CTTT, KHTT phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của các cơ quan nhà nước cấp trên; yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, lĩnh vực. Bảo đảm phân công nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; khả thi, tiết kiệm nguồn lực thực hiện.

Nội dung KHTT phải xác định rõ mục đích, yêu cầu thanh tra; phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thanh tra...

Việc phê duyệt KHTT của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Giám đốc sở phải được thực hiện bằng văn bản.

KHTT của Thanh tra bộ, tỉnh gửi về Thanh tra Chính phủ và Thanh tra huyện, sở gửi về Thanh tra tỉnh chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày được phê duyệt.

Thông tư 01/2014/TT-TTCP còn xác định, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện KHTT do các cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành đối với cơ quan thanh tra cấp dưới hoặc cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành để bảo đảm việc xây dựng, thực hiện KHTT theo đúng quy định pháp luật về thanh tra; phê duyệt của cấp có thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra và để phòng ngừa, phát hiện, xử lý chồng chéo về KHTT.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc xây dựng, thực hiện KHTT của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh. Thanh tra bộ kiểm tra việc xây dựng, thực hiện KHTT của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ. Thanh tra tỉnh kiểm tra việc xây dựng, thực hiện KHTT của Thanh tra huyện, Thanh tra sở. Thanh tra sở kiểm tra việc xây dựng, thực hiện KHTT của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra