Đảm bảo quyền lợi cho trẻ em khi cha mẹ chưa đủ độ tuổi kết hôn

Thứ sáu, 14/01/2022 09:21
(ThanhtraVietNam) - Tại điểm a, khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau: "Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên"; đồng thời, việc kết hôn phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và pháp luật về hộ tịch. Khi đó nam, nữ mới được xác lập quan hệ hôn nhân, được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ.

Tuy nhiên, hiện nay còn tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù chưa đủ độ tuổi kết hôn những vẫn sống chung như vợ chồng và sinh con dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Cụ thể như: Tảo hôn là nguyên nhân khiến sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai hoặc sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Khi kết hôn sớm, trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi, tham gia những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi… Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội. Ngoài ra, tảo hôn làm hạn chế khả năng tìm kiếm việc làm, kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình; hạnh phúc gia đình không bền vững và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo quy định pháp luật, người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Về xử lý hành chính, Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định: "1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Về xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội tổ chức tảo hôn: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

Thực tế thời gian qua, việc xử lý hành vi tảo hôn có những chuyển biến tích cực, nhất là việc xử lý hình sự, đã góp phần răn đe, giáo dục và ngăn ngừa vi phạm. Nhưng trên thực tế, hành vi vi phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vi phạm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, việc quản lý, giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên còn nhiều hạn chế; một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu kiến thức về giới và các biện pháp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn,… Hệ quả là, khi các em yêu nhau và muốn đi đến kết hôn nhưng chưa đủ độ tuổi nên bị bố mẹ ngăn cấm thì các em dắt nhau bỏ nhà ra đi để sống chung; không nghề, không nghiệp nên không thể trụ vững, nhiều em phải quay lại với gia đình hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cướp, lừa đảo,... để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đặc biệt, có trường hợp do bố mẹ ngăn cấm nên nhiều cặp đôi đã tự tử, để lại nhiều nỗi đau đớn, xót xa.

Vì chưa đủ độ tuổi kết hôn những vẫn sống chung như vợ chồng, nhiều trường hợp lo sợ bị phạt nên giấu giếm, thậm chí không dám đi đăng ký khai sinh cho con, dẫn đến đứa trẻ không được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước như: Bảo hiểm y tế, các chương trình tư vấn, tiêm chủng miễn phí và chăm sóc sức khỏe trẻ em; không được đăng ký hộ khẩu thường trú, không được nhận tài sản tặng, cho hoặc thừa hưởng di sản thừa kế theo pháp luật,… do đó, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cũng như quyền lợi của trẻ em.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Điều 13 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật. Như vậy, khai sinh là một quyền mà trẻ em sinh ra được hưởng, không phân biệt được sinh ra trong hoàn cảnh, điều kiện nào, kể cả là cha mẹ của đứa trẻ chưa đủ tuổi kết hôn. Do đó, mặc dù người phụ nữ chưa đủ độ tuổi kết hôn nhưng đã sinh con thì phải làm thủ tục để đăng ký khai sinh cho con theo quy định.

Vì chưa đăng ký kết hôn nên thủ tục khai sinh sẽ được đăng ký theo thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú. Để ghi tên cha trong giấy khai sinh của con thì phải làm thủ tục nhận cha tại Ủy ban nhân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 16, Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014.

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và đảm bảo quyền lợi cho trẻ em được sinh ra khi bố mẹ chưa đủ độ tuổi kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp xã cần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức người dân; thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể và gia đình vận động thanh, thiếu niên chấp hành quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi tảo hôn theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, tăng cường công tác rà soát, thống kê những trẻ em được sinh ra khi cha mẹ chưa đủ độ tuổi kết hôn nhưng chưa đi đăng ký khai sinh thì vận động, thuyết phục, thậm chí đến từng gia đình để đăng ký khai sinh nhằm góp phần bảo vệ quyền của trẻ em./.

Văn Nhân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra