Hiệu lực của biển cấm

Thứ ba, 28/06/2022 12:02
(ThanhtraVietNam) - Hiệu lực của biển cấm xe máy giờ cao điểm trên 2 cây cầu vượt Láng Hạ và Lê Văn Lương (Hà Nội) là tình trạng cần sớm được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết để thượng tôn pháp luật. Trong đó, có trách nhiệm của thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương.

Sáng 28/6, một vụ va chạm giao thông xảy ra trên cầu vượt Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giữa 2 xe máy. Hậu quả là một người phụ nữ bị chấn thương ở chân, không thể di chuyển và phải kêu cứu các phương tiện qua đường đưa tới cơ sở y tế.

Vụ việc va chạm sẽ không có gì đáng nói khi người dân tham gia giao thông đúng quy định. Song trong trường hợp này cả 2 phương tiện xe máy gây ra vụ va chạm đều đang lưu thông trên cây cầu vượt cấm phương tiện xe mô tô lưu thông trong quãng thời gian từ 6h00-9h00 và 16h00-19h30 hàng ngày.

Vụ va chạm không chỉ gây ùn ứ giao thông trên cây cầu vượt này mà còn khiến cho người phụ nữ bị chấn thương chân, chưa rõ kết quả cuối cùng là như thế nào. Song, đây là vấn đề hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách xe máy không di chuyển vào khu vực có biển cấm.

Đáng nói hơn, tình trạng xe máy di chuyển trên 2 cây cầu vượt Láng Hạ, quận Ba Đình và Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra thường xuyên, hằng ngày và kéo dài trong suốt thời gian qua.

Theo lực lượng chức năng, từ tháng 10 năm 2016, để phục vụ thí điểm tuyến buýt nhanh BRT, chính quyền Hà Nội đã thực hiện cấm một số loại xe giờ cao điểm. Trong đó, xe máy bị cấm lên hai cầu vượt nêu trên vào 2 khung giờ hàng ngày: Từ 6h - 9h và từ 16h30 - 19h30.

leftcenterrightdel
 Tình trạng xe máy phớt lờ biển cấm di chuyển trên cầu vượt Láng Hạ xảy ra thường xuyên, trong thời gian dài cần được xử lý. Ảnh: T.A

Có ý kiến chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe máy vi phạm trên là do làn đường BRT chiếm quá nhiều diện tích so với các loại phương tiện khác vì vậy vào giờ cao điểm, lượng xe máy không còn cách nào khác phải di chuyển lên phía cầu vượt để tránh ùn tắc. Vi phạm giao thông đi vào đường có biển cấm xe máy không chỉ xảy ra trên 2 cây cầu vượt Láng Hạ và Lê Văn Lương mà còn xảy ra phổ biến trên suốt chặng đường có làn đường buýt nhanh BRT tại Hà Nội.

Trong khi đó, lực lượng quản lý nhà nước về giao thông cho rằng, biển cấm xe máy đi trên 2 cầu vượt Láng Hạ và Lê Văn Lương là hợp lý và trên cơ sở thống nhất giữa lực lượng chức năng quản lý giao thông, vận tải và chính quyền địa phương.

Thế nhưng, nếu để tình trạng xe máy thường xuyên vi phạm và vi phạm kéo dài trên các cung giờ cao điểm tại 2 cây cầu trên cũng là trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cả chính quyền địa phương. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm giao thông, gây ra những hậu quả đáng tiếc thì các cơ quan nói trên phải chịu trách nhiệm trong phạm vi, chức năng quản lý của mình.

Có thể thấy, biển cấm được cắm dựa trên sự thống nhất của các cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực và chính quyền địa phương. Thế nhưng, để vi phạm xảy ra thường xuyên và kéo dài cũng không nằm ngoài trách nhiệm của lực lượng này. Việc hiệu lực của biển cấm trên 2 cây cầu vượt Láng Hạ và Lê Văn Lương “không có tác dụng” là tình trạng cần sớm được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết để thượng tôn pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông và phát huy hiệu quả của phương án tổ chức giao thông.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì thanh tra đường bộ có các nhiệm vụ và quyền đáng chú ý:

- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ; trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó; 

- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ; 

- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. (Trừ việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do 2 bộ này quy định).


Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra