Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Hướng dẫn về giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thứ năm, 24/02/2022 10:17
(ThanhtraVietnam) - Ngày 14/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
leftcenterrightdel
Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. nguồn internet

Theo đó, Thông tư quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, Cơ quan đăng ký đầu tư và các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư theo pháp luật đầu tư; Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về thẩm quyền giám sát thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; Giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; dự án có quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; và các dự án khác theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chủ trì giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương.

Theo Thông tư, nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc ứng dụng công nghệ đối với dự án thuộc diện thẩm định, có ý kiến về công nghệ (công nghệ áp dụng so với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến; việc thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); chuyển giao công nghệ đối với dự án có thực hiện chuyển giao công nghệ (đối tượng, nội dung, phương thức chuyển giao công nghệ, kết quả thực hiện chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận giữa các bên); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, còn kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác; Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Các nội dung khác liên quan tới triển khai thực hiện dự án đầu tư …

Về tổ chức đoàn kiểm tra thì hoạt động Kiểm tra thông qua tổ chức đoàn kiểm tra được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra liên ngành hoặc kiểm tra theo chuyên ngành đối với hoạt động đầu tư. Trường hợp trong cùng một năm có từ 02 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với một dự án thì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, Thông tư quy định nội dung đánh giá kết thúc gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định (đối với ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định), góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật; Tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án …

Về nội dung đánh giá tác động, Thông tư quy định: Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, quy mô đầu tư; Đánh giá mức độ hoàn thành; Đánh giá hiệu quả đầu tư (sử dụng lao động, đất đai; nộp ngân sách Nhà nước; suất đầu tư; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh) trên cơ sở so sánh chi phí và kết quả thực tế đạt được trong quá trình khai thác, vận hành; Đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh; Đánh giá việc thực hiện chế độ báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/ 2022 và thay thế Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

PVBT

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra