Một số quy định về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân

Thứ hai, 25/07/2022 16:47
(ThanhtraVietNam) - Việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Đây là nguyên tắc xử lý đơn được đề cập tại Thông tư số 19/2022/TT-BCA quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân (sau đây gọi là Thông tư 19).

Có được khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật không?

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 19, việc xử lý đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện như sau: Phân loại đơn theo quy định tại Điều 6 Thông tư 19; Không thụ lý, không chuyển các loại đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011; Hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Trong trường hợp đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng qua nghiên cứu, xem xét phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại được quy định tại Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 124/2020NĐ-CP ngày 19/10/2020) thì cán bộ xử lý đơn phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp mình xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân được xử lý như thế nào?

Việc xử lý đơn kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại Điều 12 Thông tư 19. Theo đó, ngoài việc phân loại đơn theo quy định, đối với đơn có nội dung về công tác biên chế, công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác chính sách, công tác bảo hiểm trong Công an nhân dân theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư 19 thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì chuyển đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó giải quyết theo thẩm quyền. Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị Công an nào thì chuyển đến cơ quan, đơn vị đó xem xét, giải quyết; nếu đã đồng gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn theo quy định tại Điều 16 Thông tư 19.

Riêng về việc xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân, Điều 13 Thông tư 19 quy định việc xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh như sau: Phân loại đơn theo quy định tại Điều 6 Thông tư 19; Hướng dẫn người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh gửi đơn, chuyển đơn đến đúng cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết; Trả lại đơn, giấy tờ, tài liệu gốc của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (nếu có); Việc hướng dẫn gửi đơn, chuyển đơn được thực hiện bằng văn bản của cấp có thẩm quyền trong Công an nhân dân.

Trường hợp tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 5 Thông tư 19) thì cán bộ xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định và có văn bản phúc đáp. Trường hợp tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh có họ tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn hướng dẫn cử người đại diện theo quy định của pháp luật và gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết.

Đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh được lưu trong thời hạn 01 năm

Tại Điều 16 Thông tư 19, việc lưu đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân được thực hiện với các loại đơn sau: Đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 19; Đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020. Thời hạn lưu đơn quy định là một năm. Hết thời hạn nêu trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định việc tiêu hủy đơn theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Thanh tra Bộ Công an theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án hình sự trong Công an nhân dân

Việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại của Thanh tra Công an nhân dân được quy định tại Điều 17 Thông tư 19 quy định cụ thể như sau: Thanh tra Bộ Công an giúp Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại hành chính, khiếu nại kỷ luật; Theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án hình sự trong Công an nhân dân.

Ngoài ra, Thanh tra Công an giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cùng cấp thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại hành chính, khiếu nại kỷ luật của đơn vị, địa phương; Theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án hình sự của đơn vị, địa phương. Đối với Công an đơn vị, địa phương không có tổ chức Thanh tra, việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại do Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm phân công, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của Thanh tra Công an nhân dân, theo Điều 20 Thông tư 19, Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền; trừ khiếu nại lần đầu về quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an. Trường hợp khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an, Thanh tra Công an các cấp tham mưu, đề xuất giao cơ quan chức năng có thẩm quyền trong Công an nhân dân thụ lý, giải quyết theo quy định. Trường hợp khiếu nại quyết định kỷ luật của Giám đốc học viện, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết, Thanh tra Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Định kỳ quý, sáu tháng, một năm hoặc khi có yêu cầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp, báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp qua cơ quan Thanh tra cùng cấp về kết quả giải quyết khiếu nại.

Thông tư 19 có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2022, thay thế Thông tư số 68/2013/TT-BCA ngày 26/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra