Thanh tra Chính phủ:

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm

Thứ ba, 15/02/2022 10:41
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch để theo dõi tình hình thi hành pháp luật, qua đó xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật; phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc Bộ, ngành, địa phương và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Theo Kế hoạch được ban hành tại Quyết định số 34/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này xác định việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, việc theo dõi thi hành pháp luật phải được tiến hành bằng các phương thức phù hợp, qua đó phát huy trách nhiệm của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Thanh tra Chính phủ xác định trọng tâm của việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022 là việc thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung vào nhóm các nội dung như việc thực hiện các quy định về trình tự khiếu nại, hình thức khiếu nại, thời hiệu khiếu nại; việc thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, về tổ chức đối thoại; thực hiện quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; xem lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; công khai quyết định giải quyết khiếu nại; việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet

Về phương thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo bằng văn bản về tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại. Đồng thời, yêu cầu các vụ, cục, đơn vị của Thanh tra Chính phủ báo cáo về tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại qua thực tiễn công tác.

Tổ chức kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật về khiếu nại tại một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, dự kiến sẽ thực hiện kiểm tra, theo dõi tại Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam..., một số địa phương như: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh,... và một số đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, thời gian thực hiện từ Quý II đến Quý IV/2022.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Vụ Pháp chế xây dựng Đề cương báo cáo theo dõi thi hành pháp luật về khiếu nại gửi các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ để hướng dẫn việc xây dựng Báo cáo thi hành pháp luật năm 2022.

Cùng với đó, Vụ Pháp chế sẽ đề xuất thành lập các Tổ công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại một số Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; chủ trì tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022 báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp theo quy định./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra