Hà Nội:

8 nhóm nhiệm vụ nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính

Thứ tư, 06/07/2022 07:50
(ThanhtraVietNam) - Ngày 29/6/2022, UBND thành phố Hà Nội (TP) ban hành Kế hoạch số 181-KH/UBND về khắc phục, cải thiện nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức. Đồng thời, cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng về tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị tăng ở cả 4 chỉ tiêu thành phần, nâng tổng số điểm tỉ lệ chung đạt trên 85 điểm; cải thiện, nâng cao 3/4 chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, điểm số thấp.

Đặc biệt, phấn đấu tỉ lệ hài lòng về tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị tăng cao, góp phần vào tỉ lệ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính của TP năm 2022 tăng hạng cao so với năm 2021, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức có sự cải thiện cả về tỉ lệ hài lòng chung và thứ bậc.

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch trên phải đồng bộ, thống nhất, phù hợp với nội dung, tiêu chí trong kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của TP và các kế hoạch, chương trình cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính của TP. Đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung nhiệm vụ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, UBND TP cũng xác định cụ thể nội dung, công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai, thực hiện, nhằm đạt mục đích đề ra. Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính tăng ít nhất 3-5% so với năm 2021 (năm 2021 là 79,73%).

leftcenterrightdel
Hà Nội đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính (Ảnh: Internet)

TP cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao tỉ lệ hài lòng của người dân, như sau:

Một là, ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP: Xây dựng quy chế chung, thống nhất trong việc thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính và việc thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của TP.

Hai là, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị liên quan đến quy định hành chính, thủ tục hành chính và công khai kết quả xử lý phản ánh kiến nghị theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ. Cụ thể là thực hiện tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền của TP trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định. Đồng thời, đảm bảo 100% kiến nghị, phản ánh về thủ tục hành chính được tiếp nhận, chuyển xử lý và xử lý đúng thời hạn.

Ba là, nâng cao tỷ lệ hài lòng về tiêu chí “Cơ quan có bố trí hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị”: Tỷ lệ hài lòng về tiêu chí “Cơ quan có bố trí hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị tăng ít nhất 3-5% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 82.12/100 điểm).

Bốn là, nâng cao tỷ lệ hài lòng về tiêu chí “Dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị”: Tỷ lệ hài lòng về tiêu chí tăng ít nhất 5-7% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 78.92/100 điểm).

Năm là, nâng cao tỷ lệ hài lòng về tiêu chí “Cơ quan tiếp nhận và xử lý tích cực các góp ý, phản ánh, kiến nghị”: Tỷ lệ hài lòng về tiêu chí tăng ít nhất 5% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 78.92/100 điểm).

Sáu là, nâng cao tỷ lệ hài lòng tiêu chí “Cơ quan có thông báo kịp thời kết quả xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị”: Tỷ lệ hài lòng về tiêu chí tăng ít nhất 5-7% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 78.92/100 điểm).

Bảy là, công tác truyền thông: Thực hiện tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện và bằng các cách thức phù hợp để mọi tầng lớp quần chúng nhân dân biết và chủ động thực hiện.

Tám là, công tác tập huấn, bồi dưỡng: Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo UBND TP, Hà Nội là đô thị lớn của cả nước với hơn 8,5 triệu người dân, hơn 335.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Vì vậy, nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày cho người dân, doanh nghiệp là rất lớn; các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính cũng được phản ánh, kiến nghị, góp ý lớn và tăng qua các năm (năm 2020 là 311 phản ánh, kiến nghị; năm 2021 là 1.795 phản ánh, kiến nghị và 6 tháng đầu năm 2022 là 619 phản ánh, kiến nghị)./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra