Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ

Thứ năm, 24/03/2022 21:17
(ThanhtraVietNam) - Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, công tác PCTN có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có Báo cáo số 376/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri các tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình thể hiện sự lo lắng trước tình trạng tiêu cực, tham nhũng vẫn còn xẩy ra nhiều, tinh vi hơn, các vụ việc chậm phát hiện, như tiêu cực xẩy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, vụ chiếm đất công ở Vũng Tàu. Kiến nghị đẩy mạnh công tác PCTN, lãng phí tại các ngành, các cấp, tăng chế tài, đồng thời phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này; kiến nghị Trung ương tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham ô, tham nhũng, xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này, nhất là các vụ án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước; cử tri kiến nghị được thông tin cụ thể hơn về cách khắc phục hậu quả sau khi xử lý các vụ án tham nhũng.

Về nội dung này Thanh tra Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, công tác PCTN có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (02 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng được đẩy mạnh, tập trung thanh tra các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.

Năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 156.336 tỷ đồng, 8.447 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 3.694 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, thời điểm tháng 8 năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, các ngành, các cấp thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung khi kiểm tra tại 10.310 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 đơn vị vi phạm; ban hành 11.083 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.401 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 5.463 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 365 vụ việc vi phạm, 556 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 107,2 tỷ đồng; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.270 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 196 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; chuyển đổi vị trí công tác đối với 31.033 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt: 298.104 thủ tục hành chính công được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; 128.412 thủ tục hành chính công được áp dụng mức độ 3 hoặc 4 tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổng số cuộc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là 989 cuộc; 603.759 người kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; 10.769 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, có 1 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 4.618 cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, có 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 26 người. Phát hiện và xử lý 51 vụ việc có hành vi tham nhũng, 83 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 15 vụ, 25 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 20 vụ, 39 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 16 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng.

Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng ở một số lĩnh vực vẫn còn biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đâu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN; còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, ...

Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác PCTN, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN.

Trong đó, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản (việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng); chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị; mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo công tác PCTN tại các kỳ họp Quốc hội, trong đó, báo cáo có thông tin cụ thể về kết quả PCTN, về kết quả thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra