Hoàn thiện và kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Thứ tư, 28/09/2022 08:09
(ThanhtraVietnam) - Ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã hoàn tất việc xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.

Tại hội nghị chuyên đề pháp luật sáng ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu, giải trình, trao đổi, làm rõ những vấn đề được đề cập tại phiên họp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện Dự án Luật chặt chẽ, toàn diện hơn.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà 

 

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị sửa đổi luật của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhận định đây là Dự án Luật hết sức quan trọng, nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, an ninh, lịch sử, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành, góp ý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để Dự án Luật đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại.

Dự thảo luật cần bổ sung căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm rõ đối tượng cơ sở xác định ảnh hưởng tác động của trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trường hợp trả tiền hàng năm để hoàn thiện các quy định của luật. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này. Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, đồng thời, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về "đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất". Tuy nhiên, "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm" là một khái niệm mới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục làm rõ và đánh giá tác động của quy định này; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và các doanh nghiệp.

Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Kế thừa các nghiên cứu từ các luật khác, Điều 4 Dự án Luật này đã tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu kết luận về nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ cơ sở chính chỉ căn cứ pháp lý, tính khoa học và thực tiễn, ưu nhược điểm của từng loại ý kiến. Cần tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện với tinh thần cầu thị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật.

leftcenterrightdel
 

Toàn cảnh buổi họp ngày 22/9 thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi

Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và một số thành viên UBTVQH đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào Nghị định. Vậy nên, khi trình dự thảo luật cần thiết phải có dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao với tư cách là người sử dụng tài sản công. Đây là tài sản đặc biệt có khả năng sinh lời rất cao, nếu chuyển mục đích sử dụng sang thương mại, dịch vụ, thực tế vừa qua có nhiều nơi, nhiều chỗ sai phạm về vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng có ý kiến cần đảm bảo tách bạch, phân định rõ các quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ mang tính chất tư. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn để đưa ra các đề xuất cụ thể để sửa đổi nội dung sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong Luật Đất đai.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi của người dân. Việc mở rộng diện đất đai phải thu hồi áp dụng trên cơ sở chỉ thu hồi khi chứng minh được việc thu hồi đất ngoài mục đích quốc phòng, an ninh vì phát triển kinh tế, xã hội, nhưng phải bảo đảm được lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đồng thời cần nghiên cứu lại những trường hợp thu hồi đất để phục vụ dự án thương mại, dịch vụ, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, rà soát để đảm bảo không trái với các hiệp định ký kết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoàn thiện quy định về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch./.

Thế Hiệp - Thái Phiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra