Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 28/03/2022 12:36
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ xác định kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.

Trả lời kiến nghị cử tri TP Hồ Chí Minh gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt trong công tác PCTN để góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đồng thời thông tin cụ thể hơn về cách khắc phục hậu quả sau khi xử lý các vụ án tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ... Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (ảnh vov.vn)

Trong đó, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025 gồm: Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị.

Chính phủ xác định quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI và khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Chính phủ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhấn mạnh việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra