Cần mạnh tay với tham nhũng vặt để không ảnh hưởng tới chống dịch

Thứ tư, 01/09/2021 14:47
(ThanhtraVietnam) - Tham nhũng vặt là tệ nạn xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật xảy ra từ lâu, ở nhiều quốc gia. Mặc dù lợi ích, số tiền đối tượng tham nhũng nhận được là nhỏ nhưng nó có một điểm chung với tham nhũng lớn là đều làm xói mòn môi trường pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động xấu tới đời sống của người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì những hành vi tham nhũng vặt này lại càng cần lên án, đấu tranh và xử lý quyết liệt hơn.

Tuần qua, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam một nữ chuyên viên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam do đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sau khi vị này nhận tiền để duyệt trái phép hàng nghìn hồ sơ cấp mã QR Code cho các chủ phương tiện vận tải.

Phải nói rằng, việc cấp mã QR Code là một chủ trương lớn, đúng đắn của ngành Giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu di chuyển nhanh, thông suốt, tránh ùn tắc khi qua các chốt kiểm dịch, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.

Hậu quả pháp lý cá nhân người vi phạm sẽ phải chịu xử lý theo kết luận của cơ quan điều tra, theo phán quyết của tòa án, nhưng rõ ràng uy tín của Tổng cục Đường bộ, của ngành Giao thông Vận tải, của các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi “con sâu làm rầu nồi canh”, chưa kể tới nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người và phương tiện được cấp mã QR Code trái phép không đủ điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch qua lại giữa các địa phương.

Vài ngày sau, cách nơi xảy ra vụ bắt giữ chuyên viên Giao thông Vận tải chưa đầy trăm cây số, Công an tỉnh Thái Bình cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 trường hợp có hành vi đưa và nhận hối lộ để cho hàng trăm người không có giấy xét nghiệm Covid-19 đi qua chốt kiểm dịch. Đáng buồn là 2 trong số 4 bị can trên lại là cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà được cử tham gia Tổ liên ngành làm việc tại chốt kiểm dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với người ra, vào tỉnh Thái Bình.

Việc kiểm soát người ra, vào địa phương - một giải pháp hiệu quả để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đã bị các cá nhân này lợi dụng, “móc ngoặc” với nhau để đưa những người không đáp ứng đủ điều kiện quy định ra vào địa phương thực sự là hành vi vô cùng nguy hiểm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng dịch mặc dù số tiền các đối tượng đưa và nhận trong vụ hối lộ này không lớn, chỉ hơn 3 triệu, 5 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ 4 đối tượng đưa và nhận hối lộ để cho hàng trăm người không có giấy xét nghiệm Covid-19 qua chốt kiểm dịch. Nguồn ảnh: Báo Thái Bình 

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi và người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Một số hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện là: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi…

Ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng, người có hành vi tham nhũng còn bị xử lý bởi các chế tài nghiêm khắc theo các quy định về xử lý tham nhũng được thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...

Như vậy có thể thấy, pháp luật Việt Nam quy định khá đầy đủ về hành vi tham nhũng cũng như đưa ra nhiều biện pháp để phòng ngừa, nhiều chế tài để xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…Tuy nhiên, dường như “tham nhũng vặt” chưa được nêu chính thức trong một văn bản pháp luật nào.

Tổ chức Minh bạch quốc tế đã định nghĩa, tham nhũng vặt là hành vi lạm dụng quyền lực được giao của các cán bộ, công chức cấp thấp và cấp trung trong tương tác hàng ngày với người dân, thường khi người dân có nhu cầu tiếp cận với hàng hóa hoặc dịch vụ cơ bản như bệnh viện, trường học, cảnh sát và các cơ quan khác.

Theo nhiều chuyên gia, việc phân biệt tham nhũng vặt với tham nhũng lớn không hàm ý có sự khác biệt về bản chất hay mức độ nguy hại của mỗi loại tham nhũng, mà chủ yếu là để xác định các điểm đặc thù, từ đó có chiến lược, giải pháp xử lý phù hợp. Một số điểm khác biệt giữa tham nhũng vặt với tham nhũng lớn có thể chỉ ra như: tham nhũng vặt thường là của quan chức cấp thấp và cấp trung, tham nhũng lớn là của quan chức cấp cao; tham nhũng vặt  thường diễn ra ở cấp độ cơ sở, có tính chất thường xuyên, tham nhũng lớn thường diễn ra ở cấp độ cao, trong việc xây dựng và quản lý việc thực thi chính sách, mức độ xảy ra ít hơn; tham nhũng vặt thường thể hiện dưới dạng những khoản hối lộ có giá trị nhỏ, bằng tiền mà người dân và doanh nghiệp phải trực tiếp trả cho cán bộ, công chức để đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ công, còn tham nhũng lớn gắn với khoản hối lộ có giá trị lớn và rất lớn, thường được thực hiện một cách tinh vi, liên quan đến việc xây dựng và điều hành, giám sát thực thi chính sách.

Từ những thông tin, với những tội danh đã bị khởi tố của các đối tượng tại 2 vụ việc vừa mới xảy ra như nêu trên, so sánh với các đại án tham nhũng đã và đang xét xử có số tiền vi phạm lên tới hàng tỷ đồng, hàng triệu đô la Mỹ cho thấy đây là hành vi tham nhũng, có thể xếp vào nhóm hành vi tham nhũng vặt bởi nó xảy ra ở những cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là số tiền tham nhũng được cho là không lớn. Tuy số tiền tham nhũng là “vặt”, nhưng hậu quả của nó không hề “vặt” một chút nào đúng như nhận định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi nói về vi phạm của cán bộ thuộc cơ quan mình là “rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức”.

Tới đây, khi cơ quan công an ban hành kết luận điều tra, tòa án ra phán quyết, các cá nhân vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý thích hợp, phải nhận những hình phạt tương xứng theo quy định của pháp luật nhưng xã hội sẽ còn nhắc nhiều, còn lên án một thời gian dài sau đó bởi hành vi của những đối tượng kia đang đi ngược lại với chủ trương, ngược lại những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, từ cấp trung ương đến địa phương, từ Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng đến từng người dân, khi mà cả xã hội đang gồng mình triển khai các giải pháp nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Tổng cục Đường bộ đã chia sẻ với báo chí rằng, khi có thông báo của Cơ quan điều tra về việc bắt giữ cán bộ của mình, họ đã tổ chức kiểm điểm, quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của mình, đồng thời yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp, phòng ngừa những sai phạm, tiêu cực.

Không chỉ các cá nhân đang được giao nhiệm vụ, công vụ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút ra bài học từ các vụ việc trên mà cơ quan, tổ chức cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ, cần xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ sớm theo quy định của pháp luật, theo các khuyến nghị của các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhất là trong bối cảnh cả xã hội đang nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” như cách mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chia sẻ với báo chí sau khi cán bộ của mình bị khởi tố, bắt tạm giam!

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra