Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ bảy, 11/06/2022 18:57
(ThanhtraVietNam) – Đó là Hội thảo khoa học do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐHKH&NV) phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 11/6, tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức hết sức thiết thực và ý nghĩa, nhất là trong tháng 6, tháng gắn với dấu mốc kỷ niệm quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau 97 năm qua, đội ngũ báo chí cả nước đã không ngừng lớn mạnh, thể hiện rõ tinh thần và ý chí cách mạng, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà Ðảng và Nhân dân giao phó.

Mỗi dịp tháng 6 về, có lẽ là một dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo nhìn lại, đúc kết chặng đường đã qua, thẳng thắn nhìn rõ những thách thức trên nhiều phương diện và tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, đạt được những thành tựu lớn lao hơn và sống xứng đáng với nghề mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người.

Đó chính là lý do để Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học KHXH&NV), một trong hai cơ sở đào tạo -nghiên cứu báo chí truyền thông lớn nhất tại Việt Nam và Tạp chí Thông tin và Truyền thông – cơ quan báo chí uy tín với 60 năm truyền thống; cùng hợp tác thực hiện Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Mục tiêu của Hội thảo là tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của Báo chí Việt Nam, cho khát vọng phát triển quốc gia cường thịnh.

Trên thực tế, Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cơ bản của chiến lược là phát triển hệ thống báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Cùng với đó, thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

leftcenterrightdel
 Chuyển đổi số vấn đề vô cùng quan trọng trong hoạt động báo chí ngày nay. Ảnh: T.A

Đi sâu vào lý luận, thực tiễn gợi mở nhiều cách làm hiệu quả cho các cơ quan báo chí

Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ đi sâu vào một số vấn đề chính:

Thứ nhất, những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thứ hai, những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.

Thứ ba, Hội thảo cũng tìm các lời giải cho cho các cơ quan báo chí đang gặp khó, cũng như đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.

Tiếp đó, tập hợp những ý kiến, khuyến nghị của diễn đàn mang tính khoa học, thực chất, hi vọng sẽ cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay.

 

Hải Trung Kim
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra