Để ngăn chặn "virút" tin giả lây lan

Thứ sáu, 20/08/2021 12:13
(ThanhtraVietNam) - Tin giả (fake news) được hiểu là tin rác hoặc tin tức giả mạo, tin tức có thể chỉ đúng một phần và chưa được kiểm chứng, do người đưa tin cố ý lừa bịp hoặc vô ý lan truyền qua phương tiện truyền thông tin tức truyền thống (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến. Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, tin giả lan truyền qua môi trường mạng máy tính, mạng viễn thông như một loại "virút" độc hại với tốc độ khủng khiếp.

Có thể nhận thấy, khi xuất hiện những yếu tố gây tác động lớn đến đời sống xã hội như các hiện tượng độc, lạ, chém, giết, rùng rợn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tin giả xuất hiện rất dễ chạm vào tâm lý nhạy cảm của người dân, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Tin giả có thể làm xói mòn niềm tin của đông đảo người dân, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, hậu quả không thể đo đếm được.

leftcenterrightdel
 

Thông tin sai sự thật về “bác sĩ Khoa” lan truyền trên facebook. (Ảnh chụp màn hình). PV

Mới đây, ngày 7/8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Tuy nhiên, ngay sau đó, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở được xác định là ảnh cũ, chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại Bệnh viện Từ Dũ. Những ảnh này được tài khoản facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 07/8 như mạng xã hội chia sẻ. Điều đáng nói là bài viết trên đã được nhiều tài khoản Facebook chia sẻ, trong đó có tài khoản “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ”. Sau đó, thông tin này tiếp tục được chia sẻ bởi hàng nghìn tài khoản Facebook khác khiến người dân không chỉ xót thương mà còn hoang mang, lo lắng vô cùng về tình trạng dịch bệnh.

Chỉ sau đó 2 ngày, ngày 9/8, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai chủ tài khoản Facebook vì đã 'vô ý chia sẻ' thông tin chưa đúng vụ “bác sĩ Khoa”, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù bị xử lý nghiêm và nhanh chóng nhưng tin giả vẫn xuất hiện ngày càng nhiều. Các cơ quan có chức năng đã áp dụng các hình thức xử lý mạnh trong thời gian qua, song thiết nghĩ với tốc độ phát triển công nghệ 4.0 như vũ bão hiện nay thì việc kiểm soát thông tin giả cần phải có giải pháp căn cơ đi kèm với các chế tài đủ mạnh mới mong giảm thiểu được vấn nạn tin giả.

Chế tài xử lý

Trao đổi vấn đề này, Luật sư Phan Minh Thanh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật nước ta có các quy định, chế tài sau đây để xử lý đối với người tạo tin giả, chia sẻ thông tin giả, cụ thể:

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định các hành vi nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;… Đồng thời, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn quy định tổ chức, cá nhân buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Điều 288 Bộ Luật hình sự năm 2015 xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Theo đó, người nào có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong một số trường hợp có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể nói, pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể để xử lý vấn nạn tin giả, từ xử phạt hành chính bằng tiền đến khởi tố hình sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy chế tài xử lý nhiều trường hợp vẫn chưa đủ sức răn đe, tình trạng tin giả, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng vẫn có xu hướng gia tăng.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Luật sư Phan Minh Thanh, để kiểm soát chặt chẽ việc lan truyền thông tin giả trên mạng máy tính, mạng viễn thông, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:

Một là, cần răn đe kết hợp với tuyên truyền

Các cơ quan có thẩm quyền như Bộ/ Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, các cơ quan công an cần chia sẻ kịp thời thông tin về các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt liên quan đến tin giả về dịch bệnh, nội dung không có thật, câu “view”, trục lợi khác... để răn đe. Các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin rộng rãi đó trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, đồng thời, khuyến cáo người dân nên thận trọng khi chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, tích cực tuyên truyền nội dung các quy định pháp luật và hình thức xử phạt có liên quan.

Hai là, cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực “số” cho công dân, hình thành khái niệm “công dân số” trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Bên cạnh việc ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có kế hoạch tổng thể để giáo dục, nâng cao năng lực công dân số, nhất là đối với thế hệ trẻ về việc phân biệt đâu là tin giả, cách thẩm định, chia sẻ thông tin có trách nhiệm, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng theo Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành tháng 6/2021.

Ba là, cần có cơ chế hợp tác với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới

Cùng với sự phát triển như vũ bão về công nghệ thông tin, mạng xã hội, các nền tảng công nghệ, đặc biệt là nền tảng số xuyên biên giới hình thành mang tính tất yếu. Bên cạnh những lợi ích, những điều tốt đẹp mà các nền tảng số xuyên biên giới mang lại còn có nhiều thông tin độc hại, chống phá Nhà nước, thông tin không được kiểm chứng do việc sử dụng dễ dàng, thuận lợi từ các nền tảng số.

Thực tiễn đó rất cần cơ chế để hợp tác và quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước để các cơ quan quản lý các nền tảng số xuyên biên giới phải tôn trọng, hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc chống tin giả.

Mỗi quốc gia đều có văn hóa, tập tục và luật pháp riêng, do đó sự hợp tác này là cần thiết trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Đơn cử như việc chia sẻ thông tin của những nhân vật nổi tiếng, nếu thông tin chưa được kiểm chứng thì phải gắn mác nhận diện để cảnh báo người dùng.

Thực tế cho thấy, khi có tin giả bùng lên nhưng được cơ quan chức năng xác minh và báo chí công bố là tin giả, đồng thời công khai thông tin về việc xử lý các trường hợp vi phạm thì ngay lập tức tin giả bị đẩy lùi. Hiện tượng này giống như bong bóng bị kim châm làm xì hơi, khiến tin giả không còn lây lan, phát tán được.

K.Dung                                                                   

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra