Để người dân không dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp

Thứ hai, 28/02/2022 10:34
(ThanhtraVietNam) - Ngày 15/02/2022, một người đàn ông ở Thái Nguyên bất ngờ dùng súng từ tầng 2 của nhà mình bắn xuống nơi 2 nơi vợ chồng hàng xóm đang xây tường rào. Người chồng tử vong, người vợ bị trọng thương, còn người đàn ông ấy đã dùng súng để tự sát. Hai nhà là hàng xóm đối diện với nhau, nguyên nhân ban đầu là mâu thuẫn cá nhân về tiền bạc. Và rất nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng vũ lực xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi rùng mình, khiếp sợ.

Phải chăng, trong các mối quan hệ xã hội hiện nay khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp đều giải quyết bằng biện pháp bạo lực? Có trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết giữa những người trong cuộc với nhau; có trường hợp một trong các bên thuê các băng nhóm "xã hội đen" để ra mặt giải quyết;…Câu hỏi đặt ra là, chính quyền địa phương và pháp luật ở đâu khi không can thiệp kịp thời để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp đó. Hay các bên đều không có niềm tin vào pháp luật hoặc sợ gặp rắc rối khi nhờ đến pháp luật. Hay việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng vũ lực thì các bên mới cảm thấy hả hê, thỏa mãn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, các tranh chấp, mâu thuẫn ở khu dân cư, hơn ai hết, ban quản lý thôn, tổ dân phố là người hiểu rõ nhất và có trách nhiệm hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã hòa giải; nếu tiếp tục hòa giải không thành thì thông qua cơ chế tòa án để giải quyết. Và các phán quyết của tòa án sẽ đảm bảo thi hành thông qua cơ chế thi hành án. Với quy trình như vậy, nên các bên thường không ưu tiên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng pháp luật thông qua hệ thống các cơ quan Nhà nước mà thay vào đó, họ chọn cách giải quyết nhanh nhất đó là dùng vũ lực. Vì vậy, các địa phương hiện nay xuất hiện nhiều băng nhóm chuyên thực hiện các phi vụ đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê,…Việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp chẳng những không đạt được mục đích mà dẫn đến thương vong cho các bên; đồng thời, khoét sâu thêm lòng thù hận và nung nấu ý định trả thù của các bên. Bên cạnh đó, khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng vũ lực, các bên có thể sẽ dính vào vòng lao lý, với các  tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 như tội: "Gây rối trật tự công cộng"; "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; "Cố ý gây thương tích", thậm chí là tội "Giết người";…

Để hạn chế người dân tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng vũ lực cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp các bên tự thương lượng giải quyết, khi không thể giải quyết thì phải nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, giải quyết. Nếu không giải quyết được thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Đó mới cách giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đúng pháp luật, là văn hóa ứng xử ở khu dân cư. Bên cạnh đó, trưởng thôn, tổ dân phố cần thường xuyên nắm bắt tình hình mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư để động viên các bên chấp hành pháp luật, không nên dùng vũ lực để giải quyết, hạn chế gây ra những thiệt hại không đáng có và có thể trở thành người phạm tội. Đồng thời, khi người dân dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thì chính quyền địa địa phương phải xử lý thật nghiêm và công khai để giáo dục, răn đe người vi phạm./.

Văn Nhân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra