Mạnh tay mở cửa du lịch

Thứ tư, 27/10/2021 06:38
(ThanhtraVietNam) - Nên trao quyền chủ động cho địa phương đang là đề xuất của nhiều tỉnh, thành phố, không chỉ thực hiện hoạt động du lịch nội địa mà còn phục vụ khách quốc tế. Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương khóa 13 đã xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, coi đây là nhiệm vụ trung tâm.

Nhiều Bộ, ngành cũng đề xuất việc đón khách, mở cửa du lịch. Vấn đề là làm sao để vừa mở rộng cửa du lịch vừa đẩy mạnh phòng, chống Covid-19 và đi lại liên tỉnh bình thường. Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động gửi 2 phương án liên quan đến việc đi lại của người lao động giữa thành phố này với 4 tỉnh giáp ranh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Tuy nhiên, việc tiến hành du lịch nội địa lại liên quan đến nhiều vấn đề, các công trình danh lam, thắng cảnh cần xây dựng và khai thác như thế nào cho hiệu quả.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam cần đồng bộ hơn ở các địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các địa phương đều có quyền chủ động nhưng không làm trái quyết định của Trung ương. Hiện nay, mỗi địa phương có điều kiện đặc thù dịch tễ khác nhau. Còn doanh nghiệp và Chính phủ thì đồng lòng mở cửa kinh tế an toàn. Về mặt an toàn, Nghị quyết 128/NQ-CP đã nêu rõ xử lý mọi việc có ý kiến của các ban, ngành là đủ để các bộ và các địa phương tiến hành các công việc cụ thể, trong đó có việc nới lỏng mở cửa du lịch. Tinh thần ấy là nền tảng và thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

leftcenterrightdel

Lưu ý về vấn đề kinh tế -  xã hội, có ý kiến nhìn nhận, sau Đại hội Đảng 13 toàn hệ thống chính trị đã chủ động tích cực vào cuộc, bình tĩnh đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Hội nghị Trung ương cũng xác định chủ trương chống dịch, khôi phục kinh tế, mở cửa du lịch trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đã chủ động việc đi lại giữa các địa phương, bước đầu đề xuất các cách thức mở cửa du lịch giữa các tỉnh và chuẩn bị đón khách quốc tế. Doanh nghiệp và Chính phủ đồng lòng mở cửa kinh tế an toàn, trong đó có việc kinh doanh du lịch theo sự chỉ đạo cụ thể của chính quyền địa phương.

Theo Tổng cục Du lịch, nhiều tỉnh, thành phố lên kế hoạch đẩy mạnh du lịch nội địa thông qua các tour trọn gói áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Từ đó, Tổng cục Du lịch sẽ đánh giá hiệu quả, điều chỉnh mô hình cho phù hợp thực tế rồi mới nhân rộng thí điểm đến nhiều địa phương. Dự kiến đến tháng 6 năm 2022, thị trường khách quốc tế mới có thể hoàn toàn mở cửa trở lại.

Được biết, tính đến ngày 16/10, còn 3 Bộ vẫn chưa có ý kiến về bộ dự thảo hộ chiếu vắc-xin của tỉnh Kiên Giang. Đến nay, chưa có thời gian chính thức triển khai thí điểm hộ chiếu vắc-xin tại Phú Quốc (Kiên Giang) thì chưa thể đúc kết xong kinh nghiệm và nhân rộng mô hình sau đó. Do vậy, bao giờ Việt Nam mới có thể mở cửa du lịch quốc tế vẫn là câu hỏi.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Thế nên việc mở cửa du lịch là một quyết định nên xem xét./.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra