Quy định mới về xếp loại học lực sẽ thay đổi tư duy gia đình và nhà trường

Thứ hai, 23/08/2021 15:21
Nhiều giáo viên đánh giá, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc bỏ xếp loại học lực và thay bằng đánh giá kết quả học tập sẽ giảm bớt số lượng giấy khen học sinh giỏi, học sinh xuất sắc; thể hiện sự phân hoá rõ ràng về năng lực thực sự của người học.

leftcenterrightdel
 Nhiều giáo viên cho rằng, không xếp loại học lực giúp tránh “lạm phát” giấy khen và học sinh giỏi. Ảnh: Hải Nguyễn

Thay đổi tư duy của gia đình và nhà trường

Từ năm học 2021-2022, việc đánh giá xếp loại học sinh sẽ có nhiều điểm mới, được thực hiện theo Thông tư 22 mà Bộ GDĐT vừa ban hành, trước tiên với học sinh lớp 6. Nhiều giáo viên cho rằng, quy định mới có nhiều điểm tích cực, từng bước thay đổi tư duy người dạy, người học.

Bàn về các điểm mới trong Thông tư 22, thầy Nguyễn Quốc Bình - Cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - đánh giá cao việc bỏ tính điểm trung bình tất cả môn học. Theo thầy Bình, học sinh sẽ được ghi nhận ở từng môn học, hạn chế tư tưởng môn chính - phụ, từ đó giảm thiểu việc học lệch.

"Học sinh có rất nhiều điểm mạnh khác nhau, có em có điểm mạnh về Toán, Văn, Ngoại ngữ... có em sở hữu khả năng về âm nhạc, thể thao, hội họa… Tất cả đều sẽ thành công nếu được ghi nhận và vun đắp.

Quy định mới đã hạn chế tư tưởng môn học chính - phụ, giúp thầy cô và gia đình thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh, hạn chế đưa ra những nhận xét mang tính cào bằng. Đồng thời khuyến khích học sinh phát huy năng khiếu, theo đuổi đam mê, cởi bỏ áp lực phải giỏi toàn diện" - thầy Bình cho biết.

Đồng quan điểm, cô Mai Thị Ánh Nguyệt - giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) - cũng đánh giá cao quy định bỏ tính điểm trung bình tất cả môn học.

"Với quy định trước đây, chỉ nhìn vào điểm tổng kết trung bình các môn học để đánh giá, xếp loại học sinh là chưa thật sự phù hợp. Giáo viên rất khó xác định điểm mạnh, năng khiếu và xu hướng học tập của từng học sinh.

Thông tư mới về đánh giá kết quả học tập đã giúp thầy cô dễ dàng phát hiện sở trường, ghi nhận năng lực vượt trội của học sinh ở từng môn học. Từ đó khích lệ và vun đắp ước mơ của học sinh, giúp các em xóa bỏ gánh nặng về thành tích" - cô Ánh Nguyệt chia sẻ.

Giảm bệnh thành tích, hạn chế "lạm phát" khen thưởng

Bỏ xếp loại học lực theo 5 mức: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém và thay bằng đánh giá kết quả học tập theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt - cũng là điểm mới khiến thầy Nguyễn Quốc Bình tâm đắc.

Theo thầy Bình, việc xếp loại học lực "yếu, kém" tạo ra sự phân biệt lớn khiến học sinh tự ti. Quy định mới đánh giá kết quả học tập "đạt, chưa đạt" nhẹ nhàng và nhân văn hơn rất nhiều. Theo đó, học sinh “chưa đạt” sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu, rèn luyện để “đạt”, nếu “đạt” sẽ nỗ lực để đạt mức cao hơn.

Đặc biệt, việc không xếp loại học sinh sẽ giảm thiểu bệnh thành tích trong nhà trường. Lý giải về điều này, thầy Bình cho rằng, nhiều trường học có xu hướng chạy theo tỉ lệ giỏi, khá nên học sinh giỏi và tiên tiến rất nhiều, thậm chí học sinh trung bình được gọi là "của hiếm". 

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không thực chất, dẫn tới “lạm phát" giấy khen, học sinh giỏi. Điều này khiến gia đình và học sinh dễ sinh ảo tưởng, sa vào tình trạng ì và không có động lực phấn đấu.

"Rõ ràng những danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, bảng xếp hạng từng làm cho bệnh thành tích trong giáo dục trở nên nặng nề. Trước đây, nhà nhà đòi hỏi, người người đòi hỏi con em mình phải có giấy khen và đứng nhất, nhì lớp. Nhưng giỏi, khá quá nhiều sẽ khiến học sinh và cha mẹ ảo tưởng, không rõ năng lực học thực chất của mình" - thầy Bình phân tích.

Theo Cố vấn chuyên môn Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, không xếp loại học lực trong năm học mới và thay bằng đánh giá kết quả học tập với quy định chặt chẽ, sẽ có sự phân hoá rõ ràng về năng lực người học, đặc biệt giảm bớt những danh hiệu không thực chất. Từ đó, hướng đến dạy thật, học thật, thi thật để có chất lượng thật.

Hiệu trưởng của một trường THPT tại Bắc Giang cũng thừa nhận, việc khen thưởng theo quy định cũ dẫn đến tình trạng học sinh nhận giấy khen quá nhiều, chưa phản ánh đúng 100% học lực của học sinh. Kèm theo đó là bệnh thành tích ngầm khi các nhà trường và giáo viên tự đặt chỉ tiêu số lượng giỏi, khá và xếp hạng thành tích của lớp, trường.

Vì vậy, vị hiệu trưởng cho rằng, không xếp loại học lực và thay bằng đánh giá kết quả học tập với quy định chặt chẽ sẽ từng bước giảm bệnh thành tích.

Theo Laodong.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra