Việt Nam là một trong những khuôn khổ hợp tác cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất

Thứ năm, 04/08/2022 22:38
(ThanhtraVietNam) – Tại Hội nghị truyền thông ASEAN mới diễn ra, các chuyên gia đánh giá, trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất.

Chia sẻ về tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành tựu và trọng tâm trong thời gian tới, định hướng hợp tác với ASEAN của Việt Nam, theo đại diện Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được tuyên bố chính thức hình thành năm 2015, ASEAN tiếp tục Kế hoạch xây dựng Cộng đồng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng: Một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm và một ASEAN toàn cầu.

Trong khi đó, theo Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Xây dựng AEC 2025 trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) của ASEAN (công bố năm 2021), có 3 bài học chính của giai đoạn này gồm:

Một là, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong xây dựng AEC nhưng vẫn chưa đủ. ASEAN sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tập trung vào chất lượng và các biện pháp có tác động lớn, đảm bảo việc thực hiện các hiệp định quan trọng, giải quyết các vấn đề có tính chất xuyên suốt, tăng cường phối hợp liên ngành và liên Cộng đồng.

Hai là, giai đoạn hội nhập kinh tế ASEAN tiếp theo (2021-2025) đang diễn ra trong một bối cảnh khác. Thế giới đã thay đổi rất nhiều so với năm 2015 khi Kế hoạch Xây dựng AEC 2025 được thông qua. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, khó dự đoán, ASEAN cần quan tâm hơn đến các xu thế mới như chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững và bao trùm.

Ba là, ASEAN cần tăng cường sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Để xây dựng thành công AEC, chính phủ các nước ASEAN cần tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan thông qua các chương trình truyền thông, cơ chế hợp tác và tham vấn hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Hội nghị truyền thông ASEAN. Ảnh: T.A

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98% (các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam).

Về ngoại khối, thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệhợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này. Trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN.

Đáng chú ý, ASEAN đã cùng 5 nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN - tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng) với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Mục tiêu đầu tiên của ASEAN trong thời gian tới là ổn định và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, giảm phụ thuộc và thúc đẩy đa dạng hóa nguồn nguồn cung, củng cố các liên kết khu vực; trên tinh thần này, Cam-pu-chia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 - đã đưa ra chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức” với 19 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế cho Năm ASEAN 2022 trong nhiều lĩnh vực trọng tâm như nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN; tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học, công nghệ; và tăng trưởng và phát triển ASEAN hội nhập.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch. Tiếp tục cùng các nước ASEAN khác ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi, nhất là trong thương mại và đầu tư tại khu vực.

Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và tham gia có trách nhiệm vào các sáng kiến chung tạo thuận lợi thương mại, dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN, củng cố các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất khu vực.

Theo chuyên gia, việc tham gia tích cực vào các hoạt động ASEAN, tiến trình 27 năm hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể khẳng định rằng việc gia nhập ASEAN là một quyết định sáng suốt, kịp thời, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, hợp tác một cách hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện thành công định hướng hợp tác với ASEAN trong thời gian tới.

 Một trong những lợi ích đáng chú ý của Việt Nam khi tham gia vào cộng đồng chung của khu vực ASEAN đã tạo động lực để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng minh bạch, qua đó giúp nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)…

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra