Xin đừng “liều mình”... với dịch

Thứ năm, 16/12/2021 22:32
Việc tụ tập cà phê, bia rượu… để hàn huyên, “chém gió”, “tán chuyện” là thói quen của rất nhiều người trong cuộc sống thường nhật. Nhưng tình trạng đi lại, tụ tập, ăn uống… đông người ngày càng nhiều mà không tuân thủ thực hiện nghiêm quy định “5K” trong khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ngày càng phức tạp thì thật đáng phê phán.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh, với hơn 9.300 ca, bình quân 173 ca/ngày; trong đó, gần 40% số ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong tuần từ 29/11-5/12/2021, số ca mắc mới dao động ở mức từ 400 đến 600 ca; đến ngày 6/12 ghi nhận số ca mắc kỷ lục 774 ca. Thành phố vẫn còn 60 điểm phong tỏa, 9 chùm ca bệnh và con số này sẽ chưa dừng lại. Nguy hiểm hơn, trong số các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, tỷ lệ mắc thứ phát chiếm khoảng 70%.

Trước sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 5/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.Trong đó, đáng chú ý, văn bản đề nghị các địa phương căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...

Nói về tình hình dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng … Thực tế đang đặt ra thử thách rất lớn đối với các cấp thành phố trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân.

Dịch dã đang hoành hành nguy hiểm là vậy nhưng điều đáng nói là tâm lý chủ quan, lơ là đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều.

Nói có sách, mách có chứng. Khi Hà Nội cho phép các hàng ăn, quán cà phê... được mở cửa trở lại, nhiều người dân đã bắt đầu “quên” hay “cố tình” không nhớ việc đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng giãn cách an toàn phòng dịch. Rồi việc tập trung đông người ở những tụ điểm như hàng ăn, nơi công cộng… diễn ra khắp mọi nơi đã được các cơ quan truyền thông lên tiếng cảnh báo. Và còn rất nhiều nơi đã không chấp hành quy định bắt buộc là tạo QR Code để khách hàng có thể khai báo y tế, hoặc có nhưng chỉ để cho... có, cho… đẹp.

Việc tập trung đông người, đặc biệt là không tuân thủ 5K như nêu trên lại rất nguy hiểm, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Chỉ cần một F0 có mặt trong cuộc vui, rất nhiều người trong số đó sẽ là bệnh nhân tiếp theo được SARS-CoV-2 “gọi tên”.

Trong khi đó, khi được tiêm vắc xin người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2. Chính vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết, đưa tới nhiều hệ lụy khi lại phải xét nghiệm thần tốc, dựng bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến. Những nơi có ca nhiễm mới lại phải phong tỏa khiến sinh hoạt của nhiều người trở nên khó khăn, bất tiện. Dịch bệnh rập rình khiến trường học luôn phải dời lịch cho học sinh đến trường...

Điều đáng nói là không chỉ riêng ở Hà Nội, mà hầu như ở khắp các tỉnh, thành, rất nhiều người có thói quen rủ nhau tụ tập đông người đi uống cà phê để “tán chuyện”, “chém gió”, hay vào quán nhậu để “chén chú, chén anh” hàn huyên chuyện trên trời dưới biển... Dĩ nhiên, gặp gỡ, giao lưu là một nhu cầu chính đáng của bất kỳ người dân nào. Và trong nghị quyết “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ cũng không cấm có quy định cấm uống cà phê hay bia rượu, nhưng tất cả đều phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Đã đành là ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân khá kém trong việc chấp hành các quy định phòng dịch. Song, họ sẽ không dám vi phạm, hay chí ít là đắn đo trước khi vi phạm, nếu như các cơ quan quản lý nhà nước làm tròn phận sự và nhiệm vụ được giao. Quán hàng cà phê, hàng ăn làm sao có thể để khách tụ tập đông người nếu chính quyền địa phương, cơ quan y tế trên địa bàn sát sao, luôn “để mắt” tới?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã thừa nhận, số ca mắc COVID-19 mới của Hà Nội tăng nhanh từng ngày có nguyên nhân là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm... Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân…

Trên thực tế, rất nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh và biến chủng Omicron “đáng ngại” như thế nào. Do đó, việc hạn chế tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K là điều kiện tiên quyết để chúng ta sớm khống chế được dịch bệnh.

Vui nhưng phải luôn thường trực ý thức trong đầu rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng ta đang nỗ lực khống chế dịch để đưa cuộc sống sang giai đoạn “bình thường mới”. Chúng ta đang tìm cách thích ứng để kiểm soát và “sống chung với dịch” nhưng tuyệt đối không nên chủ quan “liều mình” với dịch bởi kẻ thù chúng ta đang đối mặt là vô hình và vũ khí tốt nhất để chống lại nó là ý thức tuân thủ.

“Vui thôi, đừng vui quá” là câu cửa miệng được nói nhiều trong thời điểm dịch dã này. Vui một cách có ý thức và mỗi người tự kiểm soát hành động của mình là cách hiệu quả nhất để giảm tải cho đội ngũ đang làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu, giảm tải cho hệ thống y tế và các y bác sĩ và sớm đưa chúng ta tới giai đoạn “bình thường mới”./.

Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra