Hai chữ “nhân văn” trong nghề làm báo

Thứ sáu, 15/04/2022 08:51
(ThanhtraVietNam) - Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, chiều 14/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp cùng Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn”.

Những năm qua, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu với việc mở nhiều chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp và nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn của các nhà báo. Điều đó đã có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng. Không ít nhà báo đã âm thầm nỗ lực làm việc thiện đằng sau con chữ, chung tay, góp sức làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

Tại buổi tọa đàm, các nhà báo, nhân vật trải nghiệm qua các câu chuyện đã nhấn mạnh, giữa cuộc sống xô bồ, người làm báo đang viết nên những nốt nhạc đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người. Những việc làm ý nghĩa ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện. Đó chính là điều tốt đẹp mà người làm báo “nhận” được khi làm những “chuyện tử tế”.

Tại buổi tọa đàm, nhà báo Trần Mai Anh đã chia sẻ về các hoạt động thiện nguyện nổi bật, đặc biệt là Hành trình Thiện Nhân để lại nhiều xúc động sâu sắc, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi. Chị cũng là Công dân Ưu tú Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. 

leftcenterrightdel
 Một câu chuyện nhân văn ý nghĩa của Nhà báo Thu Uyên trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Ảnh: Hà Tuấn

Với nhà báo Thu Uyên, chị chia sẻ những câu chuyện xúc động trên chặng đường thực hiện chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Trong suốt 15 năm qua, chương trình đã tìm ra và tổ chức đoàn tụ cho hàng ngàn trường hợp. Việc tìm lại những người trong một gia đình phải ly tán nhau hàng chục năm không chỉ là việc đoàn tụ của một gia đình mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn rộng lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, góp phần trong việc kết nối cộng đồng, xây dựng một xã hội tử tế với những con người thiện lương giàu yêu thương.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung được biết đến với vai trò là Đoàn trưởng Đoàn Thiện nguyện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam. Từ thuở ban đầu (năm 1989) chỉ có hơn 10 nhà báo nữ, đến nay đã 300 thành viên chính thức tham gia. Câu lạc bộ Nhà báo nữ đã đến với mọi miền Tổ quốc, hoạt động thiện tại các bệnh viện, các nhà tình thương và các khu vực vùng sâu, vùng xa và càng có sức lan toả.

Nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ mới thì lại chia sẻ những cảm xúc khi đồng hành, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở xóm chạy thận Ngọc Hồi. Thành lập trang facebook "Những hạt mầm xanh", nhà báo Thanh Hà đã kêu gọi sự chung tay của đồng nghiệp và cộng đồng thường xuyên mua rau mầm, trở thành khách hàng quen thân của xóm chạy thận Ngọc Hồi. Chị cũng là người tiếp sức cho nhiều các dự án thiện nguyện của các đồng nghiệp bằng cách trực tiếp ủng hộ, kêu gọi lan tỏa và bằng rất nhiều bài báo. "Tôi thấy những việc mình làm thật sự nhỏ bé. Chúng ta có thể lan tỏa rộng hơn nhờ những bài báo. Tôi mong rằng, làm sao để có sự liên kết tốt hơn giữa người làm báo và người làm thiện nguyện", nhà báo Thanh Hà chia sẻ.

Với câu chuyện của Nhà báo Hoàng Anh, Báo Đại biểu Nhân dân, sáng lập viên và điều phối viên dự án "Trao oxy - Trao Sự sống", một dự án thiện nguyện do một số nhà báo, kiến trúc sư, họa sỹ, doanh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia với hơn 100 tình nguyện viên. Dự án "Trao oxy - Trao Sự sống" đã cung cấp bình oxy 40L cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và chữa bệnh nhân mắc COVID-19, dự án sau đó giúp đỡ thêm được 6 tỉnh, thành khác tại miền Tây và Đông Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Các nhà báo tham dự tọa đàm chia sẻ những câu chuyện nhân văn. Ảnh: Hà Tuấn 

Các nhà báo tham dự tọa đàm cũng chia sẻ quan điểm và ý kiến của mình xung quanh chủ đề ngoài việc đưa tin bài, mỗi nhà báo đều có thể tạo nên những câu chuyện báo chí và là một phần của chuyện đó. Các nhà báo tham dự tọa đàm đều cho rằng, nhà báo là người nắm bắt, chuyển tải các thông tin nhanh nhạy nhất, nhưng cũng là người khai thác những câu chuyện tưởng chừng như cũ một cách sâu sắc nhất. Báo chí đã đồng hành, cổ vũ, tiếp sức và là một phần quan trọng trong sự thành công của nhiều dự án thiện nguyện.

Xuất phát từ những ý nghĩa đó, với mong muốn lan tỏa sâu rộng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, các tác giả muốn thông qua buổi tọa đàm gửi đi thông điệp: Báo chí thổi lên “những ngọn lửa của lòng nhân ái”. Đó chính là ý nghĩa của “hai chữ nhân văn” trong nghề làm báo, những người làm báo đã và đang viết tiếp những nốt nhạc đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người.

leftcenterrightdel
Nhà báo Lê Quốc Minh (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hà Tuấn 

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm “Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn”, đồng thời bày tỏ sự khâm phục với những tấm lòng và việc làm cao cả của các nhà báo trong thời gian qua. Không chỉ viết những bài báo, quay những thước phim ca ngợi, tôn vinh những câu chuyện nhân văn, tử tế trong xã hội, các nhà báo còn trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những vùng khó khăn góp phần tuyên truyền và lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn trong xã hội. Những việc làm thiện nguyện này sẽ không dừng lại, mà nó còn tiếp tục lan tỏa bằng cách này hay cách khác, theo đó mỗi nhà báo bằng nghề nghiệp và tấm lòng của mình, cùng chung tay, góp sức để lan tỏa những điều tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra