Nghiêng soi sợi nhớ, chạm hồn tháng Tư

Thứ sáu, 01/04/2022 19:18
(ThanhtraVietNam) - Thư ký tòa soạn chiều nay khều nhẹ anh rằng, viết một cái gì đó đi, bằng cảm nhận của chính mình. Anh lơ ngơ buồn ngủ hỏi viết gì ấy nhỉ thì nhận lại tin nhắn cười cười: Viết về những điều như cậu đã từng. Viết gì? Cậu đâu còn là sinh viên cách đây bao năm nữa, tản văn mà, cứ tự do và phóng khoáng…

Được lời như cởi tấm lòng, theo mạch ấy, men nỗi nhớ anh tìm mùa loa kèn Hà Nội tháng 4 về trong tiếng thở của thời gian rất khẽ.

Anh đến Hà Nội theo chân cô gái cùng lớp thầm thương mến, thuở ấy thương mà em đâu có hay. Nghỉ lễ dài ngày sau khi kết thúc đợt thực tập năm cuối, anh - chàng trai miền Trung đã vào Nam từ khi nhỏ xíu và em về xứ Bắc chơi như hai người bạn. Chuyến tàu xình xịch dài đằng đẵng rồi cũng tới nơi. Hà Nội vẫy tay làm quen trong cái nắng dịu, còn chưa gắt gỏng lúc chớm hè sang. Tán lá bàng đang mơn mởn, xanh như là thương nhau, đan cài mát ngọt, mà anh biết, chỉ một chút nữa thôi, lũ sâu tinh ranh sẽ đục lỗ làm đau cả lá non. Những cô gái Hà thành áo dài xinh xinh, rủ nhau đạp xe lác đác trắng trên đường Thụy Khuê, Phan Đình Phùng náo nức. Bỗng nhiên lại nhớ Huy Cận: “… Em lùa gió biếc vào trong tóc/Thổi lại phòng anh cả núi non” (1). Bỗng nhiên lại nhớ Lưu Quang Vũ: “… Chiều nay hoa ngoại ô/Cứ ùa vào phố phường như ánh nắng/ Bàn tay em sáng bừng bông huệ trắng” (2).

leftcenterrightdel
Ảnh: Hà Nhi 

Trong cái miên man sáng đẹp của Hà thành, anh chạm mặt loa kèn nguyên khôi trên những gánh hàng thong thả. Một ấn tượng xôn xao, êm ả như mây trời, như nắng nhẹ. Anh đã khe khẽ hát thầm giai điệu về giấc mơ nào xa lắm, nơi có chân trời tháng Tư xanh thẳm.

Anh biết loa kèn trước nhất không bởi đời thường mà bởi trong tranh. Thiếu nữ bên hoa huệ, tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân, bức tranh mô tả chân dung thiếu nữ áo dài trắng nghiêng đầu bên lọ hoa huệ trắng. Tác phẩm được coi là tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân, đồng thời là một trong những đại diện kinh điển cho mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX. Dáng hình cô gái cùng chi tiết, màu sắc xung quanh tạo nên chỉnh thể hình khối giản dị, thoang thoáng nét buồn man mác. Bức tranh gợi nhắc thú thưởng hoa tao nhã của người Hà Nội. Hoa huệ trong tranh là huệ tây, thường được biết đến với tên loa kèn, một loài hoa “độc quyền” thương nhớ tháng Tư Hà Nội. Sài Gòn của anh mặc nhiên chỉ hai mùa mưa nắng nên anh biết đâu rằng, xa gần 2.000 cây số, có một loài hoa thiếu nữ, cứ đợi chớm hè lại dâng đầy nét thanh tân, không thể nào phong giấu. Cũng như khi gặp em, gặp loa kèn tinh sương, anh mới hay trái tim có những ngõ hẻm không làm sao tường tận, tự anh chẳng biết hết lòng mình.

Trong vài ngày ngắn ngủi, em kịp đưa anh lang thang trên những con đường hương sắc Hà thành. Thiếu vắng cái thênh thang, dài rộng như Sài Gòn phóng khoáng, ngõ nhỏ, phố cũng nhỏ nhưng đầy chật tiếng cười em. Phố níu bước chân anh không vội. Chậm bên em. Chậm lại cả bên hoa. Em ôm vào lòng bó loa kèn hàm tiếu, thung thăng trên phố, như kéo cả nhè nhẹ mây nghiêng. Anh ngơ ngẩn trắng loa kèn hay trắng cả áo em?

Anh đọc đâu đó vài điều rằng loa kèn là loài cây bản địa của quần đảo Ryukyu xa xôi tận phía Nam Nhật Bản, Đài Loan, về sau được nhân rộng khắp nơi; rằng loa kèn là một trong những loài hoa cổ xưa nhất thế giới. Người ta tìm thấy nhiều đóa loa kèn được vẽ trên tường các tòa lâu đài Hy Lạp cổ, nơi đó loa kèn là loại hoa của nàng Hera, nữ hoàng của các vị thần, vợ thần Zeus. Là nữ thần Hôn nhân và gia đình nhưng Hera lại mang tính cách ghen tuông. Truyền thuyết kể rằng, Hercules là con trai của Zeus với người phụ nữ bình thường Alcmene. Vì muốn con trai có thêm sức mạnh thần thánh, Zeus để Hera ngủ say rồi đặt cậu bé bên cạnh nữ thần cho bú sữa. Khi Hera tỉnh dậy, bất ngờ và giận dữ, nàng đẩy đứa trẻ khỏi mình. Những giọt sữa bay khắp bầu trời, tạo nên dải Ngân hà. Những giọt còn sót lại rơi xuống nền đất, nở thành bông loa kèn tuyệt đẹp. Câu chuyện thần thoại phương Tây khoác thêm cho loa kèn màu văn chương mộng mơ, hẳn rằng em đã đọc?

Hoa loa kèn còn có tên gọi khác là huệ tây, cái tên xuất hiện trong đạo Cơ đốc hàm ý về sự trắng trong, đức hạnh của người phụ nữ. Nhưng trong dân gian, nhiều người chỉ giản dị gọi hoa là loa kèn vì cái tên đó gợi nhắc dáng hình một nhạc cụ. Hoa thơm và đẹp hơn nhất phải kể đến loa kèn ta, thường là loại thân mập, lá dày, bông nở căng, tuổi hoa bền. Lá loa kèn từ phần củ vươn lên dài mảnh. Bông loa kèn mọc nghiêng, cánh đối xứng. Là nụ thì khum khum búp măng bao bọc, chở che cho đài nhụy, cho nhị vàng nằm giữa. Là hoa bừng nở thì hơi cong mềm mại, kiêu kỳ, duyên dáng.

Nhớ đến loa kèn, anh chẳng thể quên mùi hương dịu dàng, vương vấn tựa màu nắng tháng Tư vừa chớm. Anh đã từng hít sâu đâu đây hương hoa bâng khuâng thơm ngọt như giọng cười, tiếng nói của cô gái anh thương. Hương gần gụi bên anh mà vẫn mộng mị, chờn vờn, hư ảo. Một mùi hương gợi mây nắng xa vời, gợi con sông xa lững lờ trôi, gợi cả những ước ao không gần cho tay với.

Tháng Tư năm ấy, anh nhìn đâu cũng chạm màu nắng loa kèn e ấp trong vòng tay con gái. Một sáng Hà Nội mát trong, chỉ mình em bên anh cùng bình loa kèn nao nao trắng. Ly cà phê vốn khô như đá sỏi của anh chợt thành điều thi vị. Cái cảm giác hạnh phúc tĩnh lặng, bình yên này, nhiều năm sau, anh vẫn nhớ như ghi mãi một chút tiếc nuối, hờn trách tận góc lòng. Hôm chia tay, anh dùng dằng đi ở, dùng dằng bịn rịn bởi đôi lời chưa nói với tháng Tư. Bên hiên nhà dịu sáng, cuối cùng anh lặng thầm khép lại niềm thương mến, giữ cho em ngoan nhé, đừng hờn…

Chiều tháng Tư này, em biết không: “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào. Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy. Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy…” (3), còn có mùa loa kèn soi thương nhớ nghiêng chao…

Chú thích:

(1) Thơ “Áo trắng”, Huy Cận;

(2) Thơ “Chưa bao giờ”, Lưu Quang Vũ;

(3) Thơ “Chiếc lá đầu tiên”, Hoàng Nhuận Cầm.

Hữu Bằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra