Xử lý tình trạng xâm hại di tích: “Được vạ thì má đã sưng”

Thứ hai, 28/03/2022 14:39
Gần đây, nhiều di tích có niên đại cả nghìn tuổi bị xâm hại nghiêm trọng nhưng việc xử lý chỉ được thực hiện khi người dân phản ánh, báo chí lên tiếng. Dù có “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì những công trình từng tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm đã bị mất đi phần nào giá trị.
leftcenterrightdel
“Bêtông hoá” tháp Chăm ở Bình Định. Ảnh: M.L

Bêtông hoá, san lấp, bôi bẩn di tích

Năm 2019, tại Bình Định, du khách đến thăm tháp Chăm ở Quy Nhơn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngành Du lịch ở đây vô tư khoan vào tường gạch, bắt vít để… quảng bá du lịch. Thời điểm ấy, Tiến sĩ Đinh Bá Hòa - nguyên GĐ Bảo tàng Bình Định - nói: “Quan điểm của tôi, đó là việc làm sai trái, hơn nữa đây là một cơ quan bảo tồn di sản, không hiểu nghĩ gì mà khoan vào di tích như thế”.

Rồi mới đây, cũng tại Bình Định, di tích tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, là một cụm tháp Chăm cổ có niên đại hơn 1.000 năm, được xem là “báu vật” không chỉ của riêng Bình Định. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo tại di tích này, các đơn vị thi công đã có những dấu hiệu vi phạm Luật Di sản khi đưa xe múc vào di tích để thi công, đổ đất đá sát di tích, xây dựng bồn hoa sặc sỡ ngay chân tháp...

Sau khi dư luận phản ứng, báo chí lên tiếng thì UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án. Ngay sau đó, Sở Văn hóa Thể thao Bình Định đã cho tạm dừng việc thi công chỉnh trang các khu vực tháp Cổng, tháp Chính, tháp Bia và tháp Hỏa, sân... của di tích.

Còn tại Thanh Hoá, một cái giếng tại đền thờ Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Sơn được cho là tồn tại hàng trăm năm nay lại bị đơn vị thi công hồn nhiên lấp đi trong quá trình trùng tu.

Gần nhất là vụ ầm ĩ khi trùng tu đình Chèm tại Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất, nhì Việt Nam với niên đại khoảng 2.000 năm. Song hiện trong đình chỉ lưu giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ phong cách thế kỷ XVIII, có hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng tạc năm 1888.

Việc trùng tu đình Chèm có kinh phí 10 tỉ đồng nhưng vụ việc gây xôn xao là đơn vị thi công chặt gốc đa xum xuê, to bằng mấy người ôm tại Đình Chèm. Sau khi cây bị chặt hạ, dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng kiểm tra thì thông tin ban đầu cây này mới có hơn 20 năm tuổi và đang có xu hướng nghiêng về phía đình nên phải chặt. Tuy nhiên, vụ việc cũng cho thấy công tác thanh, kiểm tra những công trình có giá trị văn hoá, nghệ thuật, lịch sử đang đặt ra nhiều vấn đề và dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu có chuyện đình Chèm được “làm mới” một cách thô bạo nếu không có sự giám sát chặt chẽ.

Di sản có thể biến mất bởi hành động nhỏ

Hồi đầu năm 2022, tại Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản Văn hóa con số di sản tại Việt Nam đã được đưa ra khá chi tiết. Theo đó, cả nước có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trong tổng số hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê, có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.590 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 187 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập, 59 bảo tàng ngoài công lập). Trên bình diện quốc tế, đã có 29 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm: 08 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 07 di sản tư liệu).

Có thể thấy Việt Nam là một nước giàu có về di sản văn hoá và đó cũng là điều kiện để du lịch Việt phát triển, đặc biệt trong quá trình khôi phục du lịch sau dịch COVID-19.

Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; 07 Nghị định của Chính phủ; 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 Thông tư, 08 Quyết định, 03 Chỉ thị theo thẩm thẩm quyền… Mặc dù vậy, việc xâm hại thậm chí phá hoại di tích vẫn còn khá phổ biến. Trong đó có việc trùng tu các di tích không có chuyên môn mà điển hình như việc trùng tu đình Thổ Hà ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) gây vỡ tấm bia cổ hàng trăm năm tuổi do quá trình di dời hết sức “thô bạo” của đơn vị trùng tu và sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chỉ khi người dân lên tiếng, báo chí vào cuộc, chính quyền các địa phương thường là “kịp thời” cho dừng thi công, đồng thời cho kiểm tra, giám sát, điều chỉnh theo mục đích bảo tồn. Phía chủ đầu tư cũng “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”. Thế nhưng, những mất mát trong việc trùng tu thiếu hiểu biết vẫn cứ lặp đi lặp lại trong vài thập kỷ qua.

Trách nhiệm không chỉ của ngành Văn hoá mà còn cần sự tăng cường giám sát hơn nữa từ người dân, đặc biệt là chính quyền địa phương. Bởi lẽ chỉ cần sai sót nhỏ là những giá trị từng tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm mà ông cha để lại sẽ vĩnh viễn biến mất.

 

Theo MỸ LINH/laodong.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra