Thành phố Hồ Chí Minh:

Chấn chỉnh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Thứ ba, 09/08/2022 12:19
(ThanhtraVietNam) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ động xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm; tăng cường phối hợp với Công an TP và các cơ quan chức năng khác nhằm thẩm định, đánh giá và giám định nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng để xử lý hình sự các đối tượng vi phạm theo pháp luật.

Những nỗ lực không ngừng

Hiện TP.HCM đã chủ động sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống giám sát thông tin trên mạng Internet (Reputa, SocialBeat, Vsocial…) nhằm tổng hợp, nắm bắt các diễn biến thông tin dư luận xã hội quan tâm, chia sẻ trên internet có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý và đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đăng tải các thông tin trái chiều, thù địch của các đối tượng trên không gian mạng. UBND TP.HCM chỉ đạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường tổng hợp, phân tích và nắm bắt nhanh nhất các diễn biến thông tin dư luận xã hội quan tâm, chia sẻ trên mạng Internet có liên quan đến địa bàn quản lý nhằm có phương án thông tin, xử lý kịp thời và chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng Internet có nội dung vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch diện tử.

Hàng năm, TP.HCM đều có kế hoạch quản lý, kiểm tra và xử lý việc cung cấp thông tin trên mạng đối với trang thông tin điện tử và mạng xã hội có trụ sở hoạt động trên địa bàn; định kỳ hàng tháng rà soát, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được cấp phép để chẩn chỉnh kịp thời, đồng thời xử lý đối với các trang thông tin điện tử đang cung cấp thông tin tổng hợp từ các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử hoạt động dưới hình thức mạng xã hội nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, việc rà soát xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: vi phạm các quy định về quảng cáo, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, cung cấp đăng tải thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi chưa được đồng ý...

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, TP.HCM tổ chức kiểm tra từ 200 - 300 trang tin điện tử đang hoạt động trên địa bàn và tiến hành làm việc với chủ thể quản lý đối với 50 đến 80 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm hoặc hoạt động không đúng quy định (đa số các trang tin điện tử hoạt động khi chưa được cấp phép). Trong quá trình quản lý, xử lý đối với các trang tin điện tử, mạng xã hội có hệ thống máy chủ tại nước ngoài... TP.HCM đã tổng hợp danh sách, chứng cứ, tư liệu vi phạm chuyển cơ quan chức năng và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xử lý từ 10 - 15 vụ việc theo thẩm quyền. Riêng năm 2021, TP đã kiểm tra xử lý 55 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp, chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 4 trang thông tin điện tử hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội không phép, tổng hợp, đăng tải tin bài viết từ các trang báo nước ngoài có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc thành tựu cách mạng; có nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm uy tín của tổ chức, cá nhân.

TP.HCM cũng tăng cường đẩy mạnh xử lý theo quy định của pháp luật đối với hoạt động cung cấp thông tin từ các trang tin điện tử có tên miền quốc tế và tài khoản mạng xã hội Facebook.... đặc biệt là các trang tin điện tử, chủ tài khoản mạng xã hội Facebook cung cấp thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận xã hội đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP. Năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị ngăn chặn, xóa tài khoản mạng xã hội Youtube của 12 đối tượng, 55 tài khoản Facebook và 4 tài khoản Tiktok đăng tải thông tin xuyên tạc chính sách, các thông tin kêu gọi kích động biểu tình; tổ chức giám định 32 hồ sơ có nội dung có liên quan đến việc đăng tải thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; giám định tài liệu xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước... trên không gian mạng Internet để làm cơ sở cho điều tra, xét xử. Đánh giá 22 hồ sơ của các đối tượng chống đối, thù địch đưa thông tin trái chiều trên không gian mạng Internet để có cơ sở xem xét, xử lý đối tượng.

Nhìn chung, việc triển khai đa dạng hóa các giải pháp nêu trên của các cơ quan chức năng Thành phố bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực vào việc triển khai các giải pháp thực hiện Đề án 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng và Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong thực tiễn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Xây dựng một “hệ sinh thái số” của TP.HCM

Trước tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ, kinh doanh trên môi trường mạng diễn ra ngày càng đa dạng, phong phú dẫn đến một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặt ra vấn đề cần phải nhanh chóng điều chỉnh. TP.HCM kiến nghị các cơ quan chức năng của Trung ương cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để phù hợp với thực tiễn quản lý và sự phát triển của xã hội; xem xét bổ sung một số quy phạm pháp luật để điều chỉnh phạm vi quản lý đối với tình trạng báo hóa các trang mạng xã hội vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Trung ương cần có các quy định cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp trên không gian mạng nhằm khuyến khích và động viên nhân sự tham gia, bởi thực tế công tác giám định tư pháp với khối lượng công việc, hồ sơ nhiều và tính chất phức tạp dẫn đến công việc giám định bị kéo dài. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ độc hại và quan tâm đối với người làm công tác giám sát nội dung và người làm công tác kiểm duyệt nội dung trên mạng internet vì những nội dung, hình ảnh và video độc hại đã và đang ảnh hưởng hàng ngày đến sức khỏe tinh thần, xuất hiện hội chứng hậu chấn tâm lý (PTSD) và các tình trạng tiêu cực liên quan vì phải tiếp xúc thường xuyên với những nội dung tiêu cực, xấu độc trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, cần có sự chủ động, tích cực, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng thuộc TP.HCM, nhất là Sở Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo, định hướng công tác chuyển đổi số đối với lĩnh vực thông tin - truyền thông nói riêng, đời sống kinh tế - xã hội TP.HCM nói chung nhằm góp phần xây dựng được một “hệ sinh thái số” của TP.HCM đáp ứng nhu cầu và tiềm năng phát triển theo mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, TP.HCM trở thành Đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Quyết Thắng (TTĐT.TPHCM)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra