Chủ động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử

Thứ năm, 30/06/2022 12:58
(ThanhtraVietNam) - Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử.

Theo Công văn số 3986/VPCP-V.I mới ban hành của Văn phòng Chính phủ, để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10-10-2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan.

Chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

leftcenterrightdel
 Thương mại điện tử lĩnh vực hàng không có chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Ảnh: T.A
Các bô, ngành, địa phương và cơ quan liên quan cũng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luât cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử.

Đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cần kịp thời khen thưởng; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, nhiều nhóm giải pháp đồng bộđể cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược.

Trong đó, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử có các giải pháp đáng chú ý.

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, nghiên cứu việc xây dựng cơ chế, bộ máy quản lý nhà nước về thương mại điện tử thuộc Sở Công Thương các địa phương.

Thứ ba, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử tại các địa phương thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.

Tiếp đó, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử giữa các lực lượng thực thi pháp luật.

Các giải pháp tiếp theo bao gồm: Tổ chức các hoạt động đối thoại thường niên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp thương mại điện tử để kịp thời nắm bắt những vấn đề cần tháo gỡ; tăng cường năng lực thống kê về thương mại điện tử ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương; đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra