Thành phố Hồ Chí Minh:

Giải bài toán phát triển vận tải hành khách công cộng

Thứ năm, 28/07/2022 12:44
(ThanhtraVietNam) - Sáng 28-7 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Báo Giao thông tổ chức hội thảo: “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng”. Tại đây, các đại biểu đã nêu ra thực trạng của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hiện nay và đưa ra các giải pháp tháo gỡ...

Không đồng đều giữa các tỉnh, thành

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), toàn quốc có 57/63 tỉnh, thành có hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM có mạng lưới phát triển nhất. Trong khi, 6 tỉnh không có xe buýt, gồm: Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái và Bình Phước. Do điều kiện đặc thù về địa hình, đường sá khó khăn đi lại, dân cư thưa thớt, hoạt động không hiệu quả nên đã dừng.

Chỉ rõ sự chệnh lệch trong việc phát triển VTHKCC, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông đưa ra số liệu: Năm 2019 (trước khi có dịch Covid-19), xe buýt toàn quốc vận chuyển khoảng 1,06 tỷ lượt hành khách, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm đến 76% tổng khối lượng với 803,4 triệu lượt khách. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chiếm 4%; nhóm các tỉnh có đô thị loại I cấp tỉnh chiếm 11% và các địa phương còn lại chiếm 9%.

Năm 2019, thị phần đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt còn rất thấp. Hà Nội đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại. TP.HCM khoảng 9,2%, bao gồm cả tuyến cố định liên tỉnh. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ khoảng 1%, các địa phương còn lại đều ở mức dưới 1%.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo 

“Đại phẫu” cho vận tải hành khách

Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho hay, ngành Giao thông Hà Nội sẽ xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng tới 2030.

Còn tại TP.HCM, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Lê Hoàn cho biết, khôi phục hoàn toàn hoạt động của mạng lưới tuyến xe buýt thành phố để phục vụ người dân. Hiện đã khôi phục 91/91 tuyến xe buýt có trợ giá và 23/36 tuyến xe buýt không trợ giá, với số chuyến khôi phục đạt tỷ lệ 88% so với số chuyến hoạt động trước dịch.

Về lâu dài, cần triển khai đồng bộ 27 giải pháp theo đề án tăng cường VTHKCC, trong đó có việc tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn Thành phố; đầu tư đổi mới nhóm phương tiện này. Về hạ tầng, Thành phố sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các nhà chờ, bến bãi phục vụ cho giao thông công cộng bằng xe buýt...

Góp ý về giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM Lê Trung Tính cho rằng, cơ sở hạ tầng phải luôn luôn đầu tư và mở rộng. Mặt khác, cũng cần phải phát triển chính sách đường ưu tiên và giành riêng; tăng cường phát triển xe bus CNG (khí nén thiên nhiên) và xe bus điện; xe đạp công cộng… Trong đó, cách đây 5 năm, TP.HCM đã có tới 500 xe buýt CNG nhưng hiện nay hệ thống xe buýt này đã bị tụt lùi vì thiếu hệ thống nạp khí, do đó cần nỗ lực từ chính quyền.

Còn theo Tiến sỹ Lương Hoài Nam- Chuyên gia giao thông, song song với việc phát triển phương thức VTHKCC khối lượng lớn, hiện đại như metro thì cần phải nhận thấy tầm quan trọng của xe buýt. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM nên xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giao thông xe buýt lâu dài và hợp lý. Đồng thời, đồng bộ cơ sở hạ tầng như làn đường dành riêng, các trạm trung chuyển, nhà ga… cho xe buýt.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng, ngành Giao thông Thành phố ngoài việc triển khai đề án phát triển VTHKCC kết hợp với việc kiểm soát xe cá nhân, với 27 nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án nhỏ, thì sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để đưa loại hình chủ lực này đáp ứng mục tiêu đề ra. Theo đó, đến năm 2025, VTHKCC Thành phố đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị và 25% vào năm 2030.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra