Vĩnh Long:

Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp

Thứ ba, 21/06/2022 07:42
(ThanhtraVietNam) – Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời tại Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021.

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hàng năm được các tỉnh đăc biệt quan tâm và xem đây là thước đo quan trọng nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh và nỗ lực cải cách hành chính, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại các địa phương.

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2021, tỉnh Vĩnh Long đạt 65,43 điểm và đứng vị trí thứ 23 của cả nước và thuộc nhóm điều hành Khá. Với điểm số này, tỉnh Vĩnh Long đã giảm 17 bậc so với năm 2020. Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 6 (giảm 3 bậc so với năm 2020) và xếp sau các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, An Giang, và Bến Tre.

Từ kết quả PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long, trong 10 chỉ số thành phần có 04 chỉ số tăng hạng, gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Gia nhập thị trường, Cạnh tranh bình đẳng. Có 06 chỉ số giảm điểm số và hạng, gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động của chính quyền tỉnh, và Đào tạo lao động

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những chỉ số thành phần chưa được đánh giá cao. Từ những phân tích, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn đó, từng ngành có liên quan cũng đề xuất những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2022 nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, đồng thời cũng phát huy những thế mạnh đã đạt được.

Để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng ổn định, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời đề nghị các sở, ngành tỉnh, các địa phương, các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Chương trình hành động chuyên đề của Chính phủ, Tỉnh ủy; các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, khởi nghiệp; cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTTĐT.VL) 

Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch tài liệu quy hoạch tỉnh, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm còn nhiều thắc mắc, chưa rõ trong quy định về thủ tục hành chính. Kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (xác định thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông tin điện tử của tỉnh để theo dõi, đôn đốc kịp thời.

Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, thuận lợi để giảm chi phí thời gian doanh nghiệp. Theo dõi kết quả hoạt động; nắm bắt thông tin cũng như quá trình giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm công tác chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến doanh nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Lãnh đạo từng đơn vị chủ động phối hợp với các ngành, các cấp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (xác định thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông tin điện tử của sở, ngành và địa phương để theo dõi, đôn đốc kịp thời.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tuyển sinh đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Rà soát, củng cố hoạt động, phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra