Hòa Bình:

Thanh tra, kiểm tra kết hợp tuyên truyền là chìa khóa quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm

Thứ tư, 10/08/2022 15:10
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt và công khai các đơn vị làm tốt cũng như các đơn vị vi phạm. Hiệu quả từ công tác thanh, kiểm tra kết hợp tuyên truyền và tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã tác động tích cực đến công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tỉnh Hòa Bình trong nhóm dẫn đầu về công tác quản lý an toàn thực phẩm

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, năm 2021, tỉnh này xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 92,5 điểm) về chỉ số đánh giá triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Hòa Bình được đánh giá có chỉ số cao về công tác này, nằm trong nhóm địa phương triển khai tốt, (năm 2020 xếp thứ nhất toàn quốc với 92 điểm, năm 2019 xếp thứ 7 toàn quốc với 87.5 điểm). Kết quả này khẳng định chất lượng nông sản và những nỗ lực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh trong thời gian qua.

Những giải pháp mà địa phương này đã triển khai đồng bộ trong thời gian qua như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt và công khai các đơn vị làm tốt cũng như các đơn vị vi phạm. Nhờ công tác thanh, kiểm tra kết hợp tuyên truyền, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, tỷ lệ vi phạm nêu trên giảm mạnh.

Tỉnh Hòa Bình cũng đã triển khai được nhiều mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tiêu biểu như: Hợp tác xã Hà Phong tại Xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có diện tích trên 300 ha cây ăn quả có múi các loại; mô hình chăn nuôi gà của Hợp tác xã Gà Lạc Thủy tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy với sản lượng 40 tấn/năm; mô hình chăn nuôi và liên kết tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thuận Phát tại xóm Đồng Sương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn với sản phẩm là thịt gà tươi nguyên con đóng túi hút chân không, chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP có đăng ký nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, sản lượng 40 tấn gà/năm…

UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, những giải pháp này nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động toàn dân tự giác, có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đồng thời ngăn chặn được tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hỗ trợ, đồng hành cùng người sản xuất, người tiêu dùng và cơ sở kinh doanh

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) đã ban hành Chương trình hành động số 489/CTHĐ-QLCL về thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030: 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; trên 70% số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản được lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát tại vùng sản xuất trong tỉnh vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. Trên 50% sản phẩm nông sản chủ lực, có tiềm năng, lợi thế được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của Thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt 60% là sản phẩm chế biến. Trên 50% cơ sở chế biến, bảo quản nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ. Hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có áp dụng cơ giới hóa và kết nối tiêu thụ nông sản.

Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đảm bảo công tác an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Hòa Bình tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm nông lâm thủy sản có chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, để thực hiện các mục tiêu này, trong thời gian tới địa phương sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến tới người sản xuất, người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm về quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức toàn dân trong đảm bảo ATTP. Triển khai các chương trình giám sát đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà và thủy sản. Tập trung lấy mẫu tại các vùng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; các xe vận chuyển, cung cấp nông sản; các sản phẩm chế biến và bao gói sẵn để kiểm định chất lượng đối với các chỉ tiêu đã công bố.

Bên cạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích người dân hưởng ứng tham gia vào việc sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn thực phẩm và liên kết theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các doanh nghiệp/HTX, tổ hợp tác trong việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quảng bá sản phẩm trên hệthống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm được bảo hộthương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Tỉnh Hòa Bình cũng sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ; các cơ sở sơ chế, chế biến áp dụng hê thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP… Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vào các khu sơ chế đóng gói, chế biến và bảo quản với quy mô phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế hư hỏng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra