Vụ 'bán chui' cổ phiếu FLC: Chế tài xử phạt đã đủ mức răn đe?

Thứ bảy, 15/01/2022 20:34
(ThanhtraVietNam) - Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bán "chui" cổ phiếu làm chấn động thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bức xúc khi chịu thiệt hại nặng. Thực tế, mỗi năm có hàng trăm vụ lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan hoặc cá nhân vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu.

Hủy giao dịch có thể giúp nhà đầu tư được hoàn tiền nhưng không thể khắc phục hết các thiệt hại liên đới khác

Sau sự việc Chủ tịch Tập đoàn FLC bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu, vào tối ngày 11/1, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết sẽ huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết. Lý do là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.

Giới chuyên gia đánh giá, phản ứng của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE là quyết liệt và kịp thời nhưng không thể khắc phục hết thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do hành vi  “bán chui” cổ phiếu này gây ra cho thị trường.

Cụ thể, các nhà đầu tư đã khớp lệnh đối ứng với ông Quyết sẽ không bị thiệt hại, thậm chí có lợi bởi không chịu lỗ vì giá FLC giảm hơn 21% sau ba phiên giao dịch (tính theo tham chiếu phiên 10/1 so với giá hiện tại). Trong khi đó, đối tượng chịu thiệt đầu tiên là những nhà đầu tư không khớp đối ứng với 74,8 triệu cổ phiếu này mà khớp với những lệnh bán ra khác. Họ không được hoàn tiền, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi thông tin này làm giá cổ phiếu đi xuống.

Một đối tượng khác bị ảnh hưởng là các công ty chứng khoán bởi nếu là một giao dịch bình thường thì họ sẽ nhận được phí mua bán 0,1-0,35%, nếu tính theo giá bán trung bình, thì mức phí trung bình của các công ty chứng khoán thu về cho lô cổ phiếu "bán chui” có thể đạt hơn 6 tỷ đồng.

Đặc biệt, với những nhà đầu tư khác giao dịch trong phiên 10/1, tổng cộng hơn 60 triệu cổ phiếu FLC nằm ngoài giao dịch của ông Quyết đã được sang tay thì những nhà đầu tư này cho tới nay đã chịu khoản lỗ hơn 20%. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC ở vùng giá cao, nếu không thoát hàng trong hai phiên gần đây, thì tài khoản đa phần đã chuyển từ lãi sang lỗ.

Theo tìm hiểu, nhiều nhà đầu tư "ôm cổ" FLC ở vùng giá 2x, đã lỗ trên 19% nhưng không có khả năng cắt lỗ vì mã FLC đang trong tình trạng "múa bên trăng - trắng bên mua". Họ băn khoăn, với hàng chục triệu cổ phiếu FLC đang treo bán sàn, dù có đặt lệnh cũng không thể khớp. Mức lỗ hiện tại là không thể xác định bởi không biết tới khi nào mới có lực mua trở lại.

Không phải lần đầu xảy ra sự việc "bán chui"

Trước đây, vào năm 2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cũng thực hiện hành vi vi phạm tương tự nhưng chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng. Lúc này dư luận đặt câu hỏi liệu khuôn khổ pháp lý và việc thực thi đã đủ tính răn đe?

Theo dõi thị trường cổ phiếu mấy ngày vừa qua, nhiều nhà đầu tư suy sụp khi cho rằng đã bị "đánh úp" vì trên cổng thông tin của HOSE không xuất hiện thông tin đăng ký bán, dù theo quy định ông Quyết buộc phải gửi thông tin.

Việc "bán chui" cổ phiếu của Chủ tịch FLC có tác động sâu rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn so với thực tế vì làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, hành động này cũng khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mất niềm tin, trở thành hiện tượng không đáng có trên thị trường, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình. Việc làm này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.

Giới đầu tư cho rằng, giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp giảm xuống. Bên cạnh đó, thị trường sẽ trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng. Về phía nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp, bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet

Do vậy, cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng. Đây là mức rất nhỏ so với những phiên giao dịch thu về hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường chứng khoán.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho biết, các tổ chức, cá nhân mua "bán chui" cổ phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định nếu giá trị "giao dịch chui" theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng thì bị phạt từ 5 - 250 triệu đồng.

Theo quy định, mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỷ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung từ 3 - 5%, ông Quyết chỉ bị phạt từ 22,4 - 37,4 tỷ đồng. So với lợi nhuận khoảng 1.580 tỷ đồng đem lại thì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Cần thiết phải thanh tra toàn diện tình trạng thao túng, trục lợi cổ phiếu

Theo phản ánh của các chuyên gia tài chính, hành vi này có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính. Vì vậy, có thể các cơ quan chức năng cần phải xem xét truy tố về tội hình sự. Việc xử lý nghiêm khắc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán như làm trong sạch, tạo sự công bằng trong thị trường, đồng thời củng cố niềm tin vào thị trường và quan trọng hơn là tính răn đe, giáo dục phòng ngừa đối với loại hành vi vi phạm tương tự xảy ra trong tương lai.

Trước sự việc của ông Quyết, đại diện Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong Luật Chứng khoán đã đưa ra nhiều quy định nhằm nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết. Sắp tới, đơn vị này sẽ kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để nâng cao chất lượng phát hiện các vi phạm trên TTCK, chú trọng vào việc phát triển bền vững của TTCK, tăng cường kỷ cương kỷ luật trên thị trường thông qua việc xử lý các vi phạm một cách nghiêm khắc và triệt để. Từ đó tạo ra một thị trường vừa trật tự vừa minh bạch và công bằng cho tất cả nhà đầu tư.

Trước đó, vào tháng 6/2021, Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính về việc kiến nghị thanh tra tình trạng các cổ phiếu rác, tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống và tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.

VAFI cho rằng, những cổ phiếu kém chất lượng có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng chưa bị ngăn cản, phát hiện, và hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội “bán giấy” thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng theo VAFI, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng.

Quay trở lại vụ bán "chui" cổ phiếu FLC, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi vi phạm bán “chui” cổ phiếu theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.

Điều 209, Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán… thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong trường hợp gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1-3 tỷ đồng; thu lợi bất chính dưới 1 tỷ đồng.

Trường hợp thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 3 tỷ đồng thì đối tượng vi phạm bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Hồng Dân

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra