Bộ Tài chính:

Xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra

Thứ tư, 18/05/2022 08:16
(ThanhtraVietNam) - Bộ Tài chính sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định.

Hoàn thành nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 4 ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước. Tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 132,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 470,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 963,5 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,… tăng khoảng 42 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong công tác quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thời điểm bắt đầu tính thu tiền thuê đất của đường dây truyền tải điện; có công văn gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 07 cơ sở nhà, đất của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương...

Cũng trong tháng 4 năm 2022, trước tình hình chính trị trên thế giới phức tạp, đã làm cho giá xăng dầu liên tục thay đổi, tác động lớn đến đời sống của người dân và tình hình sản xuất của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 03 băn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Từ đầu năm đến hết ngày 03/5/2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 10 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó: giá mặt hàng xăng tăng 07 lần, giảm 03 lần; giá mặt hàng dầu diezen và dầu hỏa tăng 8 lần, giảm 2 lần, dầu mazut tăng 8, giảm 1 đợt, ổn định giá 1 đợt.

Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và thực hiện các giải pháp đồng bộ để triển khai giai đoạn 2 cho 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022 nhằm đảm bảo đến ngày 01/7/2022 toàn bộ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế. Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án Chương trình “Hóa đơn may mắn” theo mã hóa đơn để thúc đẩy người tiêu dùng lấy hóa đơn, tăng cường việc giám sát của người dân trong việc xuất hóa đơn của các doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh.

Tổ chức triển khai dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro”. Chủ động triển khai áp dụng AI trong quản lý hóa đơn điện tử, quản lý thuế; nghiên cứu áp dụng các giải pháp phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh và máy học để phục vụ quản lý rủi ro phát hiện vi phạm, gian lận về sử dụng hoá đơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng

Tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh bất động sản gửi đến cơ quan thuế, trên cơ sở đó xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản đã mở bán nhưng không công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn các chính sách thuế kịp thời, định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại với người nộp thuế để người nộp thuế hiểu, tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN trong hoạt động kinh doanh bất động sản...

Liên quan đến thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019; Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2022; Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.

Thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định; thực hiện giám sát hoạt động các công ty đại chúng. Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệnh hoặc có nhiều sai sót. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và quy định pháp luật...

Xác định hành lang pháp lý và khung khổ pháp luật là khâu trọng yếu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định về phát hành công cụ nợ của Chính phủ; Nghị định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đầu tư nhà nước…

Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, theo đó yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính bám sát tình hình, diễn biến dịch Covid-19 triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đã được phê duyệt. Triển khai các chỉ đạo, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp việc của Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện công tác thường xuyên, đột xuất của Ban chỉ đạo 138/CP trong lĩnh vực kiểm soát hải quan.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra