Ngày 31/12/2014, TAND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Dương Thị Khởi, sinh năm 1969, trú tại ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và bị đơn là vợ chồng ông Lê Văn Được (sinh năm 1962), bà Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1967) ngụ cùng điạ phương.
Theo nội dung đơn kiện của bà Khởi, giữa bà và vợ chồng ông Được là hàng xóm, vào ngày 28/6/2014 bà có cho vợ chồng ông Được vay số tiền 1.120.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng và thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 27/8/2014, bà Khởi tiếp tục cho vợ chồng ông Được vay số tiền 210.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, thời hạn vay 2 ngày. Hai bên có lập giấy viết tay do ông Được viết và có chữ ký của vợ chồng ông Được. Từ khi vay đến lúc bà Khởi khởi kiện ra tòa, vợ chồng ông Được đã không trả cả tiền lãi lẫn tiền gốc. Tại phiên tòa, bà Khởi có nguyện vọng buộc vợ chồng ông Được phải trả cho bà số tiền gốc là 1.330.000.000 đồng và tính lãi theo quy định pháp luật.
Ông Lê Văn Được trao đổi sự việc với phóng viên.
Về phía ông Được, ông thừa nhận có viết giấy vay tiền và cùng vợ ông là bà Nguyễn Thị Phượng ký tên vào hai tờ giấy vay tiền như bà Khởi trình bày. Đối với giấy vay tiền ngày 28/6/2014 ông ký là do ông đứng ra bảo lãnh cho nhiều người vay tiền, thực tế bà Khởi giao tiền cho những người mà ông đứng ra bảo lãnh, ông chỉ ký tên vào giấy vay mà không nhận tiền. Còn giấy vay tiền ngày 27/8/2014, là do ông cần đáo hạn ngân hàng gấp nên mới viết và ký giấy vay đưa cho bà Đinh Thị Khương là hàng xóm và nhờ bà Khương nhận tiền vay từ bà Khởi để đưa lại cho ông nhưng sau đó ông không nhận được số tiền này. Trước việc bị bà Khởi kiện ra tòa và buộc vợ chồng ông trả số tiền trên, ông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải trả tiền vì việc vay tiền của bà Khởi là những người khác chứ không phải ông.
Hội đồng xét xử đã bỏ qua các nhân chứng quan trọng?
Theo ông Được, tại phiên tòa xét xử, ông có mời tất cả những người đã nhờ ông ký tên bảo lãnh để vay tiền của bà Khởi ra đối chứng. Nhưng TAND huyện Trảng Bàng đã không chấp nhận vì cho rằng những người này không liên quan đến vụ án. Ông Được bức xúc: “Tôi có mời 6 người mà tôi đã bảo lãnh vay tiền của bà Khởi lên tòa để làm chứng là tôi chỉ ký tên bảo lãnh, còn họ là người vay và nhận tiền trực tiếp từ bà Khởi nhưng khi họ lên thì HĐXX không cho vào vì không liên quan”. Bà Mai Thị Lân cho biết: “Vì anh Được là người có uy tín ở đây, nên tôi có nhờ vợ chồng ông đứng ra bảo lãnh. Chứ tôi vay người ta không cho, tôi vay 70 triệu và nhận tiền trực tiếp từ bà Trương Thị Khởi. Tôi cũng luôn sẵn sàng đứng ra nhận và trả nợ cho bà Khởi. Muốn ra tòa để làm chứng cho ông Được nhưng không được tòa chấp nhận nên cũng không biết làm sao”.
Sau khi thống nhất quan điểm, TAND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã tuyên bản án dân sự sơ thẩm số: 179/2014/DS-ST tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị Khởi đối với ông Lê Văn Được và bà Nguyễn Thị Phượng. Buộc vợ chồng ông Được phải có nghĩa vụ trả cho bà Dương Thị Khởi số tiền 1.379.752.000 đồng.
Không đồng ý với bản án mà tòa đã tuyên, ngày 14/01/2015, ông Được làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Tây Ninh với nội dung không đồng ý trả cho bà Khởi số tiền 1.330.000.000 đồng, vì ông cho rằng mình không hề mượn số tiền trên.
Ngày 19/05/2015, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án và quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Được, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 179/2014/DS-PT ngày 31/12/2014 của TAND huyện Trảng Bàng.
Sau khi phiên tòa dân sự Phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, ngày 27/04/2016 ông Được tiếp tục làm đơn gửi đến TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, kiến nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản ản dân sự Phúc thẩm số 133/2015/DS-PT ngày 19/05/2015 của TAND tỉnh Tây Ninh.
Cơ quan thi hành án chưa làm hết trách nhiệm?
Ông Được cho biết, trước khi bản án phúc thẩm 133/2015/DS-PT của TAND tỉnh Tây Ninh tuyên ngày 19/5/2015 có hiệu lực thi hành, ông đã có 13 bản án mà ông được thi hành án tại Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Điều khiến ông bức xúc là cả bản án 133/2015/DS-PT và 13 bản án trước đó của ông đều bị Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bàng thi hành một cách khó hiểu. “Chấp hành viên đã có những văn bản trả lời là lấy số tiền thu được từ việc thi hành 13 bản án trước đó để giải quyết cho bản án 133. Ở đây nó trái ngược nhau ở chỗ đó, trước đây tôi đề nghị lấy 13 bản án để thi hành cho bản án 133 nhưng Chi cục trưởng không chấp nhận yêu cầu đó, việc này có trong kết luận mà Chi cục trưởng Chi cục thi hành án đã nêu. Nhưng bây giờ cuối cùng là vẫn lấy các bản án kia giải quyết cho bản án 133, cái này hết sức mâu thuẫn, không quan tâm giải quyết quyền lợi cho các bên” ông Được trình bày.
Bản án 133/2015/DS-PT của TAND tỉnh Tây Ninh.
Trao đổi với phóng viên về những khiếu nại của ông Được, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bàng, ông Trần Hồng Linh khẳng định: “Thông tin mà ông Được cung cấp là hoàn toàn không đúng theo thực tế. Và cho tới thời điểm hiện nay không có bản án nào thi hành không đúng quy định cả. Một số đã thi hành xong, còn lại một số ra quyết định chưa đủ điều kiện nên chưa thi hành. Tôi khẳng định tất cả 13 bản án trước đó và bản án số 133/2015/DS-PT của ông Lê Văn Được đều thi hành đúng theo quy định”.
Tuy nhiên, quá trình kiểm sát việc thi hành án 13 bản án nêu trên,về phía Viện kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng đã phát hiện 3 việc là có vi phạm. Ông Lê Văn Chọn- Viện trưởng VKSND huyện Trảng Bàng cho biết: “Việc thứ nhất là Chi cục thi hành án có vi phạm về việc xác định án chưa có điều kiện thi hành là không đúng, vi phạm điều 44a Luật thi hành án dân sự năm 2014. Hai việc khác là cơ quan thi hành án chậm ký hợp đồng thẩm định giá, vi phạm điều 98 Luật thi hành án dân sự năm 2014. Những vi phạm này thì trên cơ sở chúng tôi đã ghi nhận, tổng hợp và kiến nghị tại kết luận số 268 ngày 13/9/2017 về việc kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án tại Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bàng”.
Ngoài những khiếu nại về công tác thi hành án tại Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bàng, ông Lê Văn Được còn để nghị xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng của bản án 133/2015/DS-PT của TAND tỉnh Tây Ninh để đem lại sự công bằng cho ông. Hiện tại, để thi hành bản án 133 ông đang có nguy cơ mất đi căn nhà mà gia đình đang ở, vì đó là tài sản cuối cùng của gia đình ông.
Chu Loan- Hoài Linh