Về vụ trúng thầu bằng hồ sơ năng lực “rởm” ở Cần Thơ:

Các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, làm rõ

Thứ sáu, 15/12/2017 11:22
(ThanhtraVietNam)- Thời gian gần đây dư luận tại TP Cần Thơ đang đặc biệt quan tâm đến việc Công ty TNHH xây dựng Hòa Lợi (Công ty Hòa Lợi) đã trúng thầu gói xây lắp cầu Rạch Nhum và Rạch Tra thuộc dự án nâng cấp đường tuyến tỉnh 922 tại TP Cần Thơ. Đây là dự án thuộc nguồn vốn ngân sách, gói thầu xây lắp có giá trị (sau thuế) gần 50 tỷ đồng, nhưng trong khi lập hồ sơ dự thầu Công ty Hòa Lợi đã gian dối hồ sơ thầu. Sau hơn 6 tháng, kể từ ngày mở thầu đã có nhiều ý kiến liên quan đến hồ sơ thầu của Công ty Hòa Lợi, tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.

Trúng thầu DA vốn ngân sách nhờ hồ sơ gian dối?

Ngày 24.1.2017, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đã có QĐ số 206/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình cầu Rạch Nhum và Rạch Tra thuộc đường tỉnh 922, TP Cần Thơ”. Nguồn vốn: ngân sách thành phố quản lý (QĐ số 3852/QĐ-UBND, ngày 14.12.2016 của UBND TP Cần Thơ), với tổng giá trị gói thầu là hơn 53 tỷ đồng. DA được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (Ban quản lý) làm chủ đầu tư, có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
Chất lượng thi Cầu Rạch Tra sẽ thế nào khi các kỹ sư xài bẳng "rởm"?

Thực hiện QĐ của TP Cần Thơ, ngày 3.4.2017 Ban quản lý đã có QĐ về việc “Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, phân tích và đánh giá hồ sơ thầu gói thầu Thi công và gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây lắp”. Nhà thầu trúng chỉ định thầu là Viện Công nghệ Xây dựng Cầu đường phía Nam với mức giá  hơn 84,5 triệu đồng,  loại hợp đồng trọn gói. Dưới sự tư vấn của Viện Công nghệ Xây dựng Cầu đường phía Nam, ngày 18.5.2017,  Ban Quản lý đã tổ chức Hội nghị mở thầu (Hồ sơ đề xuất kỹ thuật – HSĐXKT), có ba nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu. Trong đó, Công ty Hòa Lợi là đơn vị trúng thầu với tổng giá trị là 49,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi xét thầu dư luận đã đặt ra câu hỏi: Liệu Ban quản lý có thực sự công tâm trong việc xét duyệt hồ sơ dự thầu của Công ty Hòa Lợi?. Trong đó, hàng loạt hàng loạt nhân sự chủ chốt để đưa vào danh sách HSĐXKT đã làm giả bằng kỹ sư đưa vào năng lực dự thầu. Điển hình, là trường hợp Đội trưởng Đội thi công Lưu Bảo Quốc, sinh năm 1979, ngành đào tạo Kỹ sư cầu đường, số hiệu bằng C382703, số vào sổ 408-34 và tốt nghiệp năm 2003, nhưng Trường Đại học Giao thông vận tải xác nhận rõ “Tại sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp có số vào sổ 408-34 lớp Cầu đường bộ khóa 34 hệ tại chức tại Hà Nội không có thông tin trùng”. Một trường hợp khác là Nguyễn Xuân Hải, sinh ngày 05.12.1983, cũng là Đội trưởng Đội thi công nhưng Trường Đại học Xây dựng đã xác nhận “Trong danh sách sinh viên tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học ngành cấp thoát nước năm 2010 không có tên ông Nguyễn Xuân Hải, ngày sinh 05.12.1983”. Tương tự,  Kỹ sư công nghệ điện Nguyễn Thành Thông có bằng tốt nghiệp mang số hiệu 00002378, nhưng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xác nhận: Tra cứu xác định không cấp bằng tốt nghiệp đại học được cấp ngày 3.6.2010 có số hiệu bằng 00002378; số vào sổ cấp bằng 1805 hình thức vừa đào tạo vừa làm vừa học ngành Công nghệ kỹ thuật điện cho người mang tên Nguyễn Thành Thông, sinh ngày 5.4.1977.

Không chỉ hàng loạt cán bộ chủ chốt “xài” bằng kỹ sư giả mà ngay cả Chỉ huy trưởng công trình là Nguyễn Xuân Sơn, kỹ sư xây dựng cầu đường có thời gian thi công liên tục trên 7 năm, tốt nghiệp đại học năm 1998, có chứng chỉ hành nghề giám sát và hoàn thiện công trình cầu đường…Nhưng khi phóng viên liên hệ với ông Sơn thì được ông Sơn xác nhận “đã nghỉ việc tại Công ty Hòa Lợi từ cuối năm 2014”.

Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Vấn đề đặt ra là: Sự gian dối trong hồ sơ năng lực dự thầu của Công ty Hòa Lợi liệu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn có biết?. Được biết, sau khi chủ đầu tư công bố kết quả xét thầu, ngày 01.6.2017, Công ty CP phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An (một trong ba đơn vị tham gia đấu thầu) đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ kiến nghị xem xét lại công tác chấm thầu. Văn bản của Công ty Thuận An cho rằng: “Theo chúng tôi tìm hiểu về năng lực tài chính, thiết bị và nhân sự của Công ty Hòa Lợi và về các dự án Công ty đã và đang thi công, đội ngũ cán bộ nhân sự không đáp ứng đủ so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Chưa kể, Công ty Hòa Lợi còn chưa có thông tin đăng ký trên Website: muasamcong.mpi.mov.vn và trang thông tin của Bộ Xây dựng”…  

leftcenterrightdel
 Một bản kê khai năng lực tài chính của Công ty Hòa Lợi

Bên cạnh việc hàng loạt cán bộ chủ chốt dùng bằng giả làm hồ sơ, ngay trong danh sách “Cán bộ tham gia BHXH năm 2017” của Công ty Hòa Lợi vẫn có tên Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là nhân viên. Liệu đây có phải là Công ty Hòa Lợi đã cố tình làm giả hồ sơ năng lực để tham gia thầu gói thầu DA xây lắp cầu Rạch Nhum và Rạch Tra?.

Nói về điều này, Luật sư Phạm Hữu Giáo- Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Đây là dấu hiệu gian dối của đơn vị tham gia đấu thầu. Đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu 2013 và những hành vi trên có thể bị cấm đấu thầu”. Theo điểm C, khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 về những hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”. Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 122, NĐ 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì với những hành vi nêu trên sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu có thể lên đến 5 năm.

leftcenterrightdel
 Và bản xác nhận tại Chi Cục Thuế khác xa nhau về số liệu

Việc gian dối trong hồ sơ năng lực dự thầu của Công ty Hòa Lợi liệu có ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công hay nguy cơ đội vốn công trình…gây thất thoát tiền từ ngân sách nhà nước?. Thực tế, việc mở thầu gói xây lắp cầu Rạch Nhum và Rạch Tra đã được thực hiện từ giữa tháng 5.2017 và thời gian thực hiện hợp đồng là 360 ngày (tương đương gần 12 tháng), nhưng theo quan sát thực địa của phóng viên, đến nay đã gần 7 tháng trôi qua, nhưng việc thi công xây lắp gần như chưa có gì đáng kể. Phía hai bên đầu cầu Rạch Nhum và Rạch Tra vẫn đang triển khai giải phóng mặt bằng là chính.

Được biết, ngoài việc gian dối hồ sơ năng lực dự thầu tại gói xây lắp cầu Rạch Nhum và Rach Tra, Công ty Hòa Lợi còn dùng hồ sơ này tham gia đấu thầu một số công trình khác tại tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt, Công ty Hòa Lợi đã có dấu hiệu khai khống doanh thu tài chính để phù hợp điều kiện dự thầu tại một biên bản kê khai năng lực tài chính của nhà thầu Công ty Hòa Lợi ký tháng 12.2014, nhằm đối chứng với các số liệu mà nhà thầu kê khai thì doanh thu năm 2011 là 65,6 tỷ đồng, năm 2012 là 91,1 tỷ đồng và năm 2013 là 120,5 tỷ đồng. Nhưng trong văn bản xác nhận của Chi cục thuế huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau ngày 11.7.2017,  thì doanh thu của Công ty Hòa Lợi năm 2011 là 34,1 tỷ đồng, năm 2012 là hơn 43 tỷ đồng và năm 2013 là hơn 65 tỷ đồng.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu việc chậm trễ và đội vốn tại công trình cầu Rạch Nhum và Rạch Tra gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước?. Với những dấu hiệu gian dối ngay từ trong hồ sơ năng lực dự thầu của Công ty Hòa Lợi, nhất là với những vị trí cán bộ chủ chốt sẽ đảm trách việc thi công cây cầu này đang cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng làm rõ. Đây cũng là cách để chứng minh sự minh bạch trong công tác đấu thầu, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, cố ý làm trái của các bên liên quan; đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình.

PVPN

 

           

         

           

 

           

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra