Theo hồ sơ vụ án, ông An và ông Nguyễn Văn Sáng (sinh 1974, ngụ Q.12) đều là tài xế chở khách tự do. Sáng 30/6/2017, ông An điều khiển ô tô 4 chỗ đến trước địa chỉ số 202 quốc lộ 22 (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) để đón khách đi Tây Ninh. Lúc này, ông S cũng điều khiển xe 7 chỗ chờ đón khách ở khu vực này. Do ông S yêu cầu ông An phải “xếp tài” để đón khách, nhưng ông An không đồng ý nên đôi bên xảy ra xô xát, sau đó ông An dùng chân đạp vào cửa trước bên phải ô tô của ông S, khiến cửa xe bị móp, giám định thiệt hại hơn 5,1 triệu đồng. Sự việc tưởng dừng lại ở đó vì sau đó ông An đã bồi thường 40 triệu đồng cho ông S và đôi bên đã có đơn bãi nại cho nhau, nhưng các cơ quan tố tụng Q.12 vẫn tìm cách tiến hành các thủ tục pháp lý truy tố ông An trước pháp luật?
Luật sư Trương Anh Tú (thuộc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú) – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, người bào chữa cho ông An cho rằng, vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật tố tụng hình sự.
Cụ thể, thứ nhất là giao người "Lập hồ sơ vụ án hình sự" không đúng thẩm quyền. Theo lời khai của ông Nguyễn Văn An, giai đoạn trước khi TAND quận 12 trả hồ sơ điều tra bổ sung, ông Nguyễn Văn An chưa làm việc trực tiếp với Điều tra viên Trương Công Bằng mà chỉ làm việc với cán bộ điều tra Nguyễn Văn Hùng.
Căn cứ Điều 36, 37, 38 BLTTHS năm 2015 (Điều 34, 35 BLTTHS năm 2003 sửa đổi năm 2011) và khoản 2 Điều 29 Thông tư 28/2014/TT-BCA ngày 07/07/2014, Thủ trưởng phân công Điều tra viên “Lập hồ sơ vụ án hình sự”, cán bộ điều tra có nhiệm vụ “giúp” Điều tra viên trong việc lập hồ sơ, ghi biên bản lấy lời khai hoặc giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác. Cán bộ điều tra không có nhiệm vụ “Lập hồ sơ vụ án hình sự”, không có quy định nào của BLTTHS cho phép cán bộ điều tra tự tiến hành lấy lời khai và tạo lập hồ sơ vụ án.
Việc cán bộ Điều tra Nguyễn Văn Hùng trực tiếp tiến hành lấy lời khai trong biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung và ghi các nội dung tại biên bản nêu trên mà không có mặt Điều tra viên Trương Công Bằng là vi phạm thủ tục tố tụng, vì cán bộ điều tra Nguyễn Văn Hùng không có thẩm quyền lấy lời khai. Như vậy, hồ sơ vụ án và tài liệu, chứng cứ do án bộ điều tra Nguyễn Văn Hùng là người không có nhiệm vụ tạo lập hồ sơ vụ án, thực hiện không đúng quy định pháp luật nên không có giá trị chứng minh và chứng cứ để buộc tội bị cáo.
Phiên tòa xét xử vụ cố ý hủy hoại tài sản tại quận 12 ngày 8/5 đã bị hoãn
Hai là, có sự mâu thuẫn giữa hành vi của bị cáo và thiệt hại xảy ra. Theo nội dung vụ việc ghi nhận, bị cáo Nguyễn Văn An giơ chân vào cửa xe ô tô của anh Nguyễn Văn Sáng vào khoảng 9h ngày 30/06/2017. Thế nhưng tại thời điểm này, các cơ quan THTT đã không tiến hành lập biên bản, chụp hình, ghi nhận ngay lại hiện trường. Cho đến khoảng 21h, tức là gần 12 giờ sau đó, khi chiếc xe Fortuner do anh Nguyễn Văn Sáng điều khiển là vật chứng trong vụ án được chủ sở hữu dời đi nơi khác, thì mới được đem trở về hiện trường để tiến hành thực nghiệm hiện trường và chụp ảnh, ghi nhận lại vết móp trên cửa xe. Theo quy định tại khoản 3 Điều 201 BLTTHS năm 2015: “Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra”. Việc di dời và không niêm phong chiếc xe sau nhiều giờ mới tiến hành thực nghiệm hiện trường là không đảm bảo nguyên tắc bảo quản, giữ nguyên hiện trạng hoặc niêm phong tài liệu, hiện vật. Do đó, việc lập biên bản sau 12 giờ đồng hồ, một mặt vi phạm tố tụng tại Điều 133 và Điều 178 BLTTHS năm 2015.
Ba là, xét về bản chất của tính nhân văn, ông Nguyễn Văn An là bộ đội xuất ngũ, chưa hề có tiền án, tiền sự; lại là lao động chính trong gia đình. Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của ông An, thì người bị hại đã làm đơn bãi nại việc xử lý hình sự cho ông An, nhưng các cơ quan tố tụng của quận 12 không xem xét đến vấn đề này.
Đình Thuyết