Đào tạo Tiến sĩ hay đi du lịch?

Thứ hai, 23/10/2017 13:05
(ThanhtraVietnam) - Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về nhiều trường hợp trở thành tiến sĩ trong khoảng thời gian rất ngắn. Trên lý thuyết thời gian học là hai năm, nhưng việc học thực chất chỉ kéo dài khoảng 10 ngày theo dạng du học ngắn ngày như đi du lịch tại các cơ sở “đào tạo tiến sĩ” ở nước ngoài không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.

Thực trạng đó đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có trường hợp ông P.V.C - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Long Biên, Hà Nội) và ông T.T.T - Phó Giám đốc Phân hiệu phía Nam trường Cao đẳng nghề đường sắt (Dĩ An, Bình Dương).

Ngày 30/7/2013, Hiệu trưởng Cao đẳng Đường sắt Việt Nam (gọi tắt là trường CĐNĐS) lúc đó là ông Phạm Văn Thanh đã ký quyết định số 649/QĐ-CĐNĐS và 651/QĐ-CĐNĐS cử ông P.V.C lúc đó là Phó Hiệu trưởng, Giám đốc phân hiệu Cao đẳng Nghề đường sắt phía Nam và ông T.T.T lúc đó là Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường kiêm Trưởng phòng đào tạo Phân hiệu Cao đẳng Nghề đường sắt phía Nam đi học và làm NCS tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Đại học công lập Khoa học và Công nghệ Neuva Ecija (Philippines) gọi tắt là trường NEUST từ tháng 7/2013.

Theo lãnh đạo Phân hiệu CĐNĐS cho biết, hai nghiên cứu sinh của Trường đi học báo cáo đã đi tập trung nghiên cứu 7 đợt, trong đó, 5 đợt tập trung (mỗi đợt 10 ngày), 1 đợt 4 ngày và 1 đợt 3 ngày. Những đợt đầu là đi “nghiên cứu” ở Philippines và những đợt sau đi nghiên cứu ở Hồng Kông. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì việc học của hai vị lãnh đạo CĐNĐS đã đi học ở trường NEUST của Philipines với thời gian “du học” tập trung thực tế chỉ là hơn 10 ngày. Dựa vào thông tin trên visa mà chúng tôi có được của ông T thì chỉ có 4 đợt tập trung đi nghiên cứu sinh với thời gian là 16 ngày tính cả đi lẫn về trong các ngày từ 24/4 - 28/4/2014, 16/8 - 20/8/2014, 14/3 - 18/3/2015, 10/9 - 14/9/2015 và địa điểm đến đều là Hồng Kông (Trung Quốc) chứ không phải là tại Philipines (nơi đóng trụ sở của NEUST). Như vậy, chưa thể khẳng định được đó là có phải ông T đi học hay đi du lịch ở Hồng Kông?

leftcenterrightdel
 Hộ chiếu của ông T.T.T thể hiện các chuyến xuất cảnh với điểm đến là Hồng  Kông
Để tìm hiểu cụ thể về hai trường hợp này, chúng tôi đã đến làm việc tại Phân hiệu phía Nam Trường CĐNĐS tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây cũng là nơi thời điểm năm 2013 khi được cử đi học NCS tiến sĩ ông C và ông T làm Giám đốc Phân hiệu và Trưởng phòng Đào tạo. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thông - Q. Giám đốc Phân hiệu cho biết hiện giờ ông C đã là hiệu trưởng của trường CĐNĐS. “Vì vậy, tôi xin phép không thể trả lời phần này. Còn đối với ông T vì là cấp dưới của tôi thì tôi mới trả lời được…” - ông Thông trình bày.

Việc đi học là có thật!

Sau đó khi được đề nghị xác nhận về trường hợp của ông C và ông T là có đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ nơi trường NEUST của Philippines hay không thì ông Thông trả lời: “Về vấn đề dư luận thì chỉ nghe thông tin qua những đơn thư nặc danh nói về trường hợp đi học tiến sĩ của ông C và ông T. Tuy nhiên, không biết đó có phải là hai trường hợp cụ thể của trường chúng tôi hay không …?”. Chỉ đến khi phóng viên viện dẫn đến hai quyết định số 649/QĐ-CĐNĐS và 651/QĐ-CĐNĐS ngày 30/7/2013 của Hiệu trưởng Trường CĐNĐS thì ông Thông mới xác nhận trường hợp ông C và ông T của Trường đi học là có thật.

“Ông T trước đây có làm đơn xin đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ ở NEUST của Philippine. Sau đó có văn bản đồng ý của Tổng cục đường sắt, có quyết định của Trường chúng tôi và hợp đồng đào tạo nghề giữa Trường với ông T. Hiện nay, ông T đang làm luận án tốt nghiệp và việc bảo vệ chưa xong”, ông Thông thông tin.

Cũng theo ông Thông, đối với việc học của ông C thì chỉ biết là ông C đi bảo vệ luận án tốt nghiệp thôi chứ không biết kết quả cụ thể đó như thế nào. Còn nguồn kinh phí mà những người đi nghiên cứu sinh tiến sĩ này được chi trả theo Nghị định 49 của Chính phủ là 65 triệu đồng cho 4 năm du học. Còn lại các chi phí khác như đi lại, ăn uống là nghiên cứu sinh phải tự bỏ tiền ra. Từ thông tin này, phóng viên đã đặt ra vấn đề trường có chi đúng số tiền như Nghị định 49 cho ông C và ông T đi học tập, nghiên cứu hay không thì ông Thông từ chối trả lời. Ông cho rằng vì ông mới lên nắm quyền chưa lâu nên chưa thể nắm hết rõ sự việc được.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì việc chi tiền đi học cho ông C và ông T của Trường CĐNĐS thực ra là cao hơn rất nhiều so với con số 65 triệu đồng mà ông Thông đưa ra.

Còn nói về chuyện bằng cấp thì hiện nay ông C đã bảo vệ xong luận án tốt nghiệp và đã được NEUST cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, những nguồn tin cho hay ông Chánh vẫn chưa nộp bằng về Trường để Trường đem đi khảo thí xem có được công nhận hay không. Cũng theo nguồn tin này thì trước đây bên ngành đường sắt cũng đã có người là lãnh đạo ngành này đi học cùng đợt với ông C và ông T nhưng khi bảo vệ xong luận án tốt nghiệp và đem giấy tờ về để khảo thí thì bằng đã không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Như vậy theo nhận định của chúng tôi có thể ông C và ông T vì mục đích có học vị tiến sĩ cho bằng bạn, bằng bè cũng như đáp ứng trào lưu “tiến sĩ hóa” đã xin đi học tiến sĩ bằng ngân sách chi cho đào tạo của ngành đường sắt nhưng lại không tìm hiểu kỹ trường mà mình đăng ký. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người không có sự đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu, học tập nhưng lại sĩ diện, háo danh mà không lường trước được hậu quả, dẫn đến tình trạng dở khóc, dở cười như hiện nay.

Thông qua sự việc này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường sắt cần vào cuộc thanh tra, xác minh cụ thể về hai trường hợp học tiến sĩ của Trường Cao đẳng Đường sắt Việt Nam để trả lời dư luận. ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Vũ Anh - Hồng Điệp



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra