TAND huyện Nhà Bè:

Những câu hỏi trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Thứ ba, 19/12/2017 15:57
Chỉ với một vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc, TAND huyện Nhà Bè để lại hàng loạt câu hỏi từ việc thụ lý vụ án, cách ra quyết định mở phiên tòa, hoãn phiên tòa, đến việc trả lời khiếu nại.

Nguyên đơn không liên quan vẫn thụ lý? 

Theo “Hợp đồng đặt cọc tiền mua đất” ngày 25/4/2017, việc ký kết hợp đồng được thực hiện giữa hai bên là ông P.A. Biên và ông N.P. Hoàng Lộc. Tuy nhiên, theo Thông báo về việc thụ lý Vụ án số 202/TB-TLVA ngày 27/06/2017 của TAND huyện Nhà Bè thì “nguyên đơn” trong vụ án này bao gồm ông N.P. Hoàng Lộc và bà P. Thị Hương.
Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú), vì bà Hương không tham gia ký kết hợp đồng đặt cọc, nên căn cứ Điều 186 và Điều 187 BLTTDS năm 2015, bà Hương không có “Quyền khởi kiện” trong vụ án này. Trong trường hợp này, TAND huyện Nhà Bè phải trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 217, điểm a Khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 và Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 hướng dẫn thi hành.

Đơn gửi chuyển phát 2 ngày đến, tống đạt trực tiếp mất 7 ngày?

Bị đơn P.A. Biên đã ủy quyền cho bà N.Q. Trang gửi đơn đề nghị đến TAND huyện Nhà Bè, Chánh án TAND huyện Nhà Bè và Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng phụ trách giải quyết vụ án để đề nghị“Trả lại đơn khởi kiện” cho ông N.P. Hoàng Lộc và bà P. Thị Hương theo quy định của pháp luật.
Đơn đề ngày 6/9/2017, gửi theo đường chuyển phát cùng ngày, chỉ 2 ngày sau (theo báo phát), TAND huyện Nhà Bè đã nhận được đơn này.
Đến ngày 13/9/2017, thì bà N.Q. Trang nhận được Quyết định  số 122/2017/QĐXXST-DS (đưa vụ án ra xét xử) của TAND huyện Nhà Bè, trong đó nguyên đơn vẫn bao gồm ông N.P. Hoàng Lộc và bà P. Thị Hương, và phiên tòa được mở vào ngày 26/9/2017. Điều đáng nói là ngày đề trong Quyết định này cũng là 6/9/2017, cùng ngày bà Trang gửi đơn, nhưng phải mất đến 7 ngày, bà Trang mới nhận được Quyết định này, dù được tống đạt trực tiếp và trụ sở tòa án ở cùng huyện mà bà Trang cư trú.
Câu hỏi đặt ra là liệu Quyết định 122 có thật sự được soạn vào ngày 6/9/2017, hay việc đề ngày này chỉ bảo đảm nó được soạn trước ngày TAND huyện Nhà Bè nhận được đơn đề nghị của bà Trang?
Nếu thật sự nó được soạn vào ngày 6/9/2017, câu hỏi khác được đặt ra là liệu nó có quá vội vã, khi mà mới 7 ngày trước đó, ngày 30/8/2017 đã diễn ra phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng với bên nguyên đơn và bị đơn (do bà Trang đại diện). Cần lưu ý rằng, giữa hai ngày đó còn có 3 ngày nghỉ gồm cuối tuần và nghỉ lễ 2/9 là mùng 2 đến 4/9/2017, tức là chỉ có 3 ngày làm việc giữa hai ngày này, và trong phiên họp đó, Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng còn yêu cầu bổ sung Giấy xác minh tình trạng hôn nhân của bị đơn trước khi ra quyết định mở phiên tòa, mà sau đó bị đơn chưa kịp nộp giấy tờ này đã nhận được quyết định mở phiên tòa!

Nguyên đơn tự rút: Thông báo miệng, vẫn cứ mở phiên tòa?

Tại phiên tòa ngày 26/9/2017, Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng thông báo bà P. Thị Hương đã nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện ngày 18/9/2017. Điều này được xác nhận bằng văn bản với Quyết định số 12/QĐ-TAHNB ngày 21/11/2017 (về việc giải quyết khiếu nại) của Chánh án TAND huyện Nhà Bè, tống đạt cho bà Trang vào ngày 14/12/2017.

Như vậy, trước khi phiên tòa diễn ra, việc một trong hai người đứng tên trên nguyên đơn không hề được thông báo bằng văn bản cho bị đơn; đồng thời, cũng không sửa đổi quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 6/9/2017 mà vẫn tiến hành mở phiên tòa xét xử.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng TAND huyện Nhà Bè đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Cơ sở nào cho việc tạm ngừng phiên tòa ngày 26/9/2017?

Tại phiên tòa, trước đề nghị của luật sư bị đơn về việc xác định sai tư cách tố tụng, và khẳng định của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhà Bè cho rằng ý kiến của luật sư là có cơ sở, Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để giải quyết đơn đề nghị, đơn khiếu nại của bà N.Q. Trang.
Luật sư Thảo cho rằng Quyết định tạm ngừng phiên tòa của Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng là không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Lý do để tạm ngừng phiên tòa của Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng không thuộc bất cứ trường hợp nào quy định tại Điều 259 BLTTDS năm 2015.
Những câu hỏi này sẽ gây ra nghi ngờ về năng lực hoặc sự liêm chính của cơ quan tư pháp huyện Nhà Bè. Vậy chúng tôi kính chuyển những câu hỏi này tới TAND huyện Nhà Bè, TAND thành phố Hồ Chí Minh giải đáp, để làm sáng tỏ vụ kiện, tránh những nghi ngờ về sự công minh của cơ quan tư pháp huyện Nhà Bè..

(Theo Đắc Xuyên, Báo Thanh tra)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra