Thấy gì từ quyết định giải quyết khiếu nại của tòa án quận Ba Đình?

Thứ sáu, 09/11/2018 21:08
(ThanhtraVietNam) - Nhận được nội dung khiếu nại (KN) khẩn cấp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), Tòa án nhân dân (TAND) quận Ba Đình, Hà Nội, đã thụ lý và ra quyết định giải quyết KN trong đó chấp nhận một phần nội dung KN.

Khiếu nại khẩn...

Ngày 12/10/2018, OGC gửi đơn KN khẩn cấp tới Chánh án TAND quận Ba Đình KN toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT do Thẩm phán Trần Thị Tố Thu ghi ngày 3/10/2018.

OGC đề cập tới KN thứ nhất đó là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có quyền yêu cầu và không có khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình.

Thứ hai, KN thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai quy định pháp luật.

Thứ ba, KN tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu.

Nội dung KN tiếp theo, OGC đưa ra nội dung KN về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không cần thiết và gây thiệt hại cho Nhà nước và OGC.

Ở nội dung KN thứ năm, đơn vị cho rằng không thể thực hiện được biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tòa án áp dụng.

Ngoài ra, việc tòa án cần làm rõ chủ thể bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này là ai.

Yêu cầu của nội dung KN khẩn cấp được gửi đến TAND quận Ba Đình đó là hủy toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT.

leftcenterrightdel

TAND quận Ba Đình 

Tòa án chấp nhận một phần nội dung khiếu nại

Theo một đại diện OGC, mới đây đơn vị này đã nhận được quyết định giải quyết KN, trong đó kết luận việc ban hành Quyết định 114/2018/QĐ- BPKCTT là quyết định đúng quy định.

Tuy nhiên, tòa án cũng “điều chỉnh” rằng: Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, của cổ đông OGC, thấy rằng không cần thiết phải tạm dừng thực hiện các điều: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và Điều 15 của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/8/2018) của Công ty OGC.

Các điều: 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, tòa án vẫn giữ quan điểm “tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc tạm dừng thực hiện”.

Quyết định giải quyết KN của TAND quận Ba Đình chấp nhận một phần Đơn KN ngày 12/10/2018 của Công ty OGC, giao thẩm phán có thẩm quyền thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quan điểm giữ nguyên các điều: 9, 10, 11, 12, 13, 14 và không cần thiết phải tạm dừng các điều: 1,2,3,4,5,6,7,8, 15.

Rõ ràng, việc chấp nhận một phần nội dung đơn KN và phải thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận Ba Đình cho thấy Quyết định 114/2018/QĐ-BPKCTT về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là chưa thực sự thận trọng, xem xét kĩ lưỡng về tính chất, mức độ và ảnh hưởng của việc ban hành quyết định.

Thực tế, sau khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, không ít ý kiến cổ đông OGC cho rằng nó đã tác động tới giá cổ phiếu của mã OGC. Điều mấu chốt là việc thay đổi một phần Quyết định 114, nhưng quan điểm giữ nguyên việc tạm dừng các điều: 9,10, 11, 12, 13, 14, thì bản chất của Nghị quyết số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/8/2018 của OGC đã thay đổi hoàn toàn. Trong khi, để ra được nghị quyết này, Đại hội đã làm việc công khai, minh bạch và có tỷ lệ thống nhất cao.

Liên quan tới KN Quyết định số 114 của TAND quận Ba Đình, theo quan điểm của luật sư, việc một doanh nghiệp đưa ra đơn khởi kiện đối với việc hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/8/2018, sau đó TAND quận Ba Đình thụ lý đơn khởi kiện trên là có dấu hiện chưa đúng quy định. Bởi, người yêu cầu (khởi kiện) là doanh nghiệp tư nhân đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra