Bốn mục tiêu cụ thể và những nhiệm vụ cấp bách về chính sách dân tộc

Thứ sáu, 23/07/2021 15:58
(ThanhtraVietNam) - Đi liền với bốn mục tiêu cơ bản, cụ thể là nhiều nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách về chính sách dân tộc.

Ngăn chặn việc lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc

Đảng và Nhà nước ta đề ra bốn mục tiêu cơ bản, cụ thể về chính sách dân tộc gồm: Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào; xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của địa phương; giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc miền núi.

Trong đó, ở mục tiêu thứ nhất, chính sách hướng đến hoàn thành cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo. Giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng. Tăng số hộ có đủ điện, nước sinh hoạt. Xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư. Giải quyết cơ bản vấn đề về đất sản xuất cho nông dân thiếu đất. Ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái.

Ở mục tiêu thứ hai, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh việc dạy và học chữ dân tộc. Hầu hết đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng dân tộc.

leftcenterrightdel
Nhiều khẩu hiệu xây dựng quê hương trên các chính mảnh đất của đồng bào DTTS đã thành hiện thực nhờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: O.H 

Phấn đấu đến năm 2025, 100% nhân dân có khả năng nghe, xem được các kênh phát thanh, truyền hình. Giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS được bảo tồn và phát triển.

Tiếp đó, mục tiêu thứ ba hướng đến việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện tham gia thực hiện chính sách dân tộc.

Mục tiêu cuối cùng, nhằm kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo an ninh, quốc phòng ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định xã hội.

Những nhiệm vụ cấp bách về chính sách dân tộc

Trong đó, nhiệm vụ về kinh tế xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tập trung giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn. Giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu. Xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào DTTS, nhất là ở các vùng trọng điểm Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khơ me Nam Bộ.

leftcenterrightdel
 Phát huy bản sắc dân tộc luôn đi song hành cùng phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS  và miền núi. Ảnh: O.H

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới. Làm tốt công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Đi liền với đó là công tác quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trong các nhiệm vụ về văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách sẽ tập trung thực hiện các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền, hướng về cơ sở; tăng cường thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa các dân tộc.

Tiếp đó, thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục, đào tạo; đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, nhất là nghiên cứu tổ chức trường đặc biệt chuyên đào tạo, bồi dưỡng, trí thức và cán bộ DTTS…

Ngoài nhiệm vụ về cùng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng DTTS và an ninh quốc phòng, thì giải pháp cấp bách khác phải tập trung đó là đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương./.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra