Đây là luận điểm quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Đối với Công giáo, Hồ Chủ tịch dành nhiều sự quan tâm và theo quan điểm của Người, các giá trị nhân bản của Thiên Chúa hiểu theo nghĩa rộng đều phù hợp tinh thần thời đại cách mạng.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng và đề cao hòa hợp tôn giáo trong đoàn kết dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết, nhấn mạnh đoàn kết tôn giáo là vấn đề then chốt để tăng sức mạnh dân tộc. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ cấp bách thứ 6 cần giải quyết là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tự do tín ngưỡng và Lương Giáo đoàn kết” (2). Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng luôn nhất quán trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và tư tưởng của Người đến nay vẫn là cơ sở quan trọng để soạn thảo các văn bản pháp lý về tôn giáo.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, một số nơi xảy ra xung đột giữa đồng bào Lương và Giáo, thực dân Pháp dựa vào đó vu cáo Việt Minh đàn áp giáo dân, kích động một số vị lãnh đạo tôn giáo ở cơ sở. Nhận được kháng thư của Giám mục Lê Hữu Từ, ngày 1/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi phúc đáp khẳng định tinh thần đại đoàn kết, toàn dân không phân Lương Giáo, chỉ một tâm lo chống ngoại xâm và những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc, vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không thể động chạm đến mối tình đại đoàn kết. Người đau lòng khi biết có kẻ lợi dụng chủ trương tự do tín ngưỡng của Nhà nước chống phá cách mạng, chia rẽ khối đoàn kết Lương Giáo, làm ảnh hưởng đến lòng yêu nước, kính Chúa của giáo dân. Người căm giận khi kẻ thù xâm phạm tự do tín ngưỡng Công giáo, giết hại giáo dân, bắn phá nhà thờ ở Nam Định, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Người bao dung, độ lượng với người bị địch lợi dụng, có hành động chống lại cách mạng nay hối cải quay về. Với tư tưởng hòa hợp tôn giáo để đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi mở thêm tinh thần thời đại mới trong giá trị nhân văn cao đẹp của tín ngưỡng Công giáo để đồng bào hiểu và góp sức vào sự nghiệp chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chia sẻ mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần với đồng bào Công giáo
Đặc biệt sâu sát với cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu kỹ tình hình đồng bào Công giáo, nhắc nhở cán bộ quan tâm đến đồng bào. Tháng 4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thị xã Ninh Bình xuống Phát Diệm. Vào Uỷ ban hành chính tỉnh, Người hỏi tình hình đời sống của đồng bào Công giáo và dặn phải chú ý đoàn kết Lương Giáo, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất chống đói, diệt giặc dốt, mở nhiều lớp bình dân học vụ, vận động bà con đi học. Ngày 26/3/1962, nói chuyện với Nhân dân tỉnh Thái Bình, Người lấy ví dụ những hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển rất tốt: “Ngay ở tỉnh nhà, hợp tác xã Xứ Riến lúc thành lập (mùa thu 1959) chỉ có 5 hộ, nay đã tăng đến 65 hộ. Năng suất mỗi mùa mỗi tăng, đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Vì vậy mà bà con ngày càng tin tưởng và gắn bó với hợp tác xã. Hợp tác xã Ngọc Sơn (Thanh Hóa) lúc đầu chỉ có 13 hộ, nay đã tiến lên toàn thôn. Thu hoạch có hộ gấp rưỡi, có hộ gấp đôi”. Người phê bình: “Hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển chậm. Nguyên nhân là do lãnh đạo và cán bộ không đi sâu đi sát” (3).
Trước những mất mát của đồng bào Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chia sẻ với nỗi xót xa máu chảy, ruột mềm và kêu gọi trong đau thương càng cần nêu cao tinh thần quật khởi chiến đấu. Ngày 19/12/1949, trong thư gửi đồng bào Công giáo toàn quốc dịp Lễ Noel, Người bày tỏ niềm xúc động nhớ đến đồng bào Công giáo đau thương dưới gót giày xâm lược: Chúng ta ăn tết Noel trong sự đau thương vì giặc Pháp tấn công Phát Diệm đã xâm phạm đến đất thánh ta, vì đồng bào Công giáo Phát Diệm, Bùi Chu và nhiều nơi khác đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man. Vậy trong tết Noel này, chúng ta phải nhớ đến đồng bào trong những nơi ấy.
Những ngày tiếp quản Thủ đô, công việc rất cấp bách, không thể dự an táng linh mục Phạm Bá Trực ở Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết điếu văn và cử Bộ trưởng Phan Anh thay mặt đọc tại buổi lễ. Lời điếu được đăng trang trọng trên báo Nhân dân ngày 11-12/10/1954: “Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho Nhân dân Việt Nam. Nay, Cụ mất đi, Chính phủ và Nhân dân vô cùng thương xót”.
Với mối thâm tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng kính trọng không chỉ đối với các vị chức sắc mà với cả đồng bào giáo dân cao tuổi. Trong một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Công giáo tại Phủ Chủ tịch, duy nhất chỉ có một đại biểu là cụ Hà Văn Quận 122 tuổi ngồi ghế. Đây là ghế được chuẩn bị cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Người đã nhường lại cụ già Công giáo nhiều tuổi nhất lúc bấy giờ. Tình cảm mến yêu đồng bào Công giáo dành cho Hồ Chủ tịch chính là tấm gương phản chiếu cụ thể nhất tấm lòng của Người. Như trong thư cảm ơn món quà của Liên đoàn Công giáo Thái Bình, Người đã viết: “Các bà phước ngày đêm chăm lo nuôi trẻ con rất khó nhọc còn mất thì giờ thêu cái khung ảnh rất đẹp. Tôi thấy trong từng đường kim, trong mỗi mũi chỉ đã thấm thía bao nhiêu cái tinh thần yêu mến giữa đồng bào Công giáo với tôi” (4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng, động viên đồng bào Công giáo tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương kết hợp hài hòa giữa Thượng đế với Tổ quốc trong đó lợi ích, tự do, hạnh phúc của đồng bào giáo dân cũng là của cả dân tộc và chú ý thuyết phục, tạo điều kiện để các giáo sĩ chức sắc, đồng bào Công giáo cùng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Người khuyến khích khơi dậy ưu điểm của đồng bào Công giáo, nhắc nhở xóa định kiến sai lạc và có nhiều việc làm thiết thực khẳng định niềm tin tưởng với đồng bào. Tháng 10/1953, tại Hội nghị cán bộ vùng địch hậu nhằm đoàn kết các lực lượng Nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định: “Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch và rất có lợi cho việc đoàn kết Nhân dân để kháng chiến” (5). Với tư tưởng nhất quán và tấm lòng chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu đã tập hợp được đông đảo đồng bào Công giáo trong công cuộc giải phóng và bảo vệ đất nước. Nhiều vị được giao trọng trách trong Chính phủ và Quốc hội như Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội - linh mục Phạm Bá Trực, Bộ trưởng kinh tế Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Y tế - bác sĩ Vũ Đình Tụng,... Người vui lòng khi thấy đồng bào lập thành tích vẻ vang đối với Tổ quốc. Ngày 17/9/1964, trong thư gửi Hội nghị Đại biểu đồng bào theo đạo Thiên chúa toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh “rất vui lòng thấy đồng bào Công giáo các giới hǎng hái tham gia mọi công việc xây dựng nước nhà”. Xứng đáng với niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào giáo dân, các vị linh mục, giám mục mọi miền có nhiều việc làm góp sức vào sự nghiệp cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kịp thời động viên, khen thưởng những thành tích này.
Khi nhắc đến ưu điểm trong tư tưởng của Khổng Tử, tôn giáo Giê su, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiêm tốn nhận “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (6) nhưng cuối cùng ở Người lại có “sự kết hợp đức khôn ngoan của Đức Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp tự nhiên” (7). Người là biểu tượng cao đẹp của mối tình đoàn kết Lương Giáo, đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp chung./.
Thu Hằng
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Truyện (Bản dịch Trung văn của Trương Niêm Thức. Bát Nguyệt xuất bản xã Thượng Hải xuất bản, 1949). Dẫn theo Phan Văn Các. Nho giáo xưa và nay. Nxb Khoa học xã hội, H.1991;
(2) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội 1969, tr116-117;
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.534-537;
(4) “Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo”, website Ban Tôn giáo Chính phủ http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1745/Ho_Chi_Minh_voi_dong_bao_Cong_giao;
(5) Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I;
(6) Hồ Chí Minh: Truyện (Bản dịch Trung văn của Trương Niêm Thức. Bát Nguyệt xuất bản xã Thượng Hải xuất bản, 1949). Dẫn theo Phan Văn Các. Nho giáo xưa và nay. Nxb Khoa học xã hội, H.1991;
(7) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb.Sự thật, H.1995, t.1, tr.27.